Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tố Trung Quốc gây bất ổn ở Biển Đông. Ông gọi Biển Đông là trái tim châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (trái) khẳng định Tokyo ủng hộ cách giải quyết của Việt Nam trong vấn đề ở Biển Đông. Ảnh: TTXVN |
Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore cuối tuần qua là diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á. Sự kiện này thu hút sự chú ý của báo chí và dư luận thế giới, bởi căng thẳng trên Biển Đông và cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc trở thành vấn đề nóng nhất trong các chương trình nghị sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tố cáo Trung Quốc có cách hành động đơn phương gây bất ổn nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. “Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã thực hiện các hành động đơn phương, gây mất ổn định, đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ sẽ không làm ngơ khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức”, Reuters dẫn lời ông Hagel nói.
"Nguyện vọng chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là luôn mong muốn khu vực duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, cùng hợp tác phát triển và ngăn chặn không để xảy ra xung đột, chiến tranh" Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh |
Ông Hagel cũng tố cáo Trung Quốc ngăn chặn Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough, gây áp lực đối với sự hiện diện của Manila trên bãi cạn Second Thomas (bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), có hành động cải tạo đất đai tại nhiều vị trí, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc tuyên bố mặc dù Mỹ không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau này, nhưng Washington “kiên quyết phản đối bất cứ nước nào sử dụng biện pháp hăm dọa, cưỡng ép hay đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định đòi hỏi chủ quyền”. Ông Hagel cũng kêu gọi các nước tìm kiếm giải pháp hòa bình và tái khẳng định cam kết của Washington với các đồng minh và những người bạn ở châu Á.
Reuters cho biết, phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận được sự đồng tình của các phái đoàn các nước châu Á khác nhưng khơi mào cho phản ứng tức giận của Trung Quốc. Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, ông Vương Quán Trung cho rằng, các bình luận của Bộ trưởng Hagel không có cơ sở, đồng thời lên án vị quan chức cấp cao của Mỹ đã đưa các phát biểu trên trước nhiều bộ trưởng quốc phòng, nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh tham dự Đối thoại Shangri-La.
Tuy nhiên, “phản pháo” của Trung Quốc không ngăn được sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản. Ngày 1-6, phát biểu sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh bên lề Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khẳng định Tokyo ủng hộ cách giải quyết của Việt Nam trong vấn đề ở Biển Đông, phản đối việc sử dụng vũ lực hòng thay đổi hiện trạng và vấn đề này phải được giải quyết thông qua đối thoại. Trước đó, ngày 30-5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố ủng hộ tối đa các quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, nhằm bảo đảm an ninh biển, an ninh hàng không, duy trì tự do hàng hải và hàng không.
Trước những phát biểu trên, Trung Quốc đã yêu cầu phía Nhật Bản không “kích động thù hằn”. Ông Vương Quán Trung gọi sự chỉ trích của Mỹ và Nhật là “không tưởng tượng được với Trung Quốc”. Hơn nữa, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc còn gọi sự phối hợp này là “hành động khiêu khích”.
Theo GS Thomas Berger tại Trường Đại học Boston (Mỹ), Thủ tướng Abe đã tận dụng được cơ hội lớn mà chính Bắc Kinh trao vào tay ông thông qua những hành động gây chiến của họ. “Vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế được nâng lên và các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam sẽ xích lại gần nhau hơn”, GS Thomas Berger nói.
Phát biểu với báo giới dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đánh giá cao nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, trong đó nhấn mạnh các quốc gia phải có trách nhiệm cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và tuân thủ luật pháp quốc tế. Đặc biệt, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Trong các cuộc gặp song phương riêng rẽ giữa Bộ trưởng Phùng Quang Thanh với Bộ trưởng Quốc phòng Anh và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, hai đối tác Anh và Pháp đều bày tỏ sự quan tâm tới tình hình căng thẳng ở Biển Đông từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond nhấn mạnh: Anh ủng hộ tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU), theo đó bày tỏ quan ngại về những rắc rối giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981, kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng và tránh đưa ra các hành động đơn phương có thể gây bất lợi cho hòa bình, ổn định tại khu vực. Bộ trưởng Hammond nêu rõ Anh không đứng về bên nào trong tranh chấp tại Biển Đông và London phản đối việc sử dụng vũ lực trong việc giải quyết bất cứ tranh chấp nào. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ sự ủng hộ đối với việc giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình. TTXVN |
THIÊN BÌNH
tổng hợp từ Reuters, AFP, TTXVN