Quân đội Trung Quốc đang triển khai tàu tiếp tế Fuchi lớp 903A lớn nhất tới Biển Đông để tăng cường sức mạnh quân sự trên vùng biển này.
Tàu kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm, gây hư hỏng, vào ngày 7-6. Ảnh: VnExpress |
Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 31-5 đã đưa thông tin về việc Trung Quốc đưa tàu tiếp tế lớn nhất tới Biển Đông và con tàu này đang trên đường tới Biển Đông. Tàu Fuchi có sức chứa 11.000 tấn hàng hóa, có thể cung cấp nhiên liệu và nhu yếu phẩm cho các tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông.
Tàu Fuchi có thể cùng lúc tiếp nhiên liệu cho hai tàu chiến, ngoài ra còn chở theo hai máy bay trực thăng Z-8, có thể chở hàng tiếp tế tới các tàu khác.
Trong lúc đó, báo Want China Times của Đài Loan cũng cho biết, hải quân Trung Quốc đã triển khai các tàu khu trục tên lửa lớp 052D đến Biển Đông. Tờ báo này nhận định: Sự hiện diện của tàu Fuchi cùng tàu khu trục tên lửa sẽ khiến hạm đội Nam Hải của Trung Quốc trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu Việt Nam và Philippines trên Biển Đông.
Trung Quốc phô diễn sức mạnh làm đảo lộn cán cân khu vực
Báo Le Soir của Bỉ vừa đăng bài viết bình luận về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông với tiêu đề “Trung Quốc phô diễn sức mạnh làm đảo lộn cán cân khu vực”. Theo bài báo, Trung Quốc đã gây sức ép với các nhà tổ chức Diễn đàn Đối thoại An ninh châu Á thường niên Shangri-La tại Singapore hồi cuối tuần trước bằng cách cử bà Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - nhân vật được cho là có quan điểm cứng rắn song ăn nói khôn khéo - tới dự.
Báo Le Soir cho hay, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông đã làm dấy lên làn sóng người Việt trong nước và ngoài nước phản đối chính quyền Trung Quốc. Vùng biển Hoàng Sa là nơi giàu dầu mỏ. Vì thế, Trung Quốc tính chuyện đặt giàn khoan lâu dài tại đây mà không đợi giải quyết tranh chấp.
Để bảo vệ giàn khoan, tàu Trung Quốc đã tấn công tàu Việt Nam, phun vòi rồng vào họ. Hành động gia tăng bạo lực này của Trung Quốc giống những gì họ đã làm đối với một tàu quân sự Philippines hồi đầu tháng 3 khi tàu này đang trong khu vực đảo san hô thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hành động của Trung Quốc đã khiến Philippines đệ đơn lên Tòa án quốc tế ở Hà Lan nhằm đòi Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền của Manila.
Về phần mình, Trung Quốc tin rằng sức mạnh của họ không thể thay thế. Murray Hiebert, cựu phóng viên tạp chí Far Eastern Review nhận định: Năm 2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ thành lập Cộng đồng kinh tế chung, trong đó việc buôn bán với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng. Bắc Kinh là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Lào, Campuchia.
Bài báo dẫn lời tác giả Robert Kaplan viết trong cuốn sách “‘Cái chảo châu Á” cho biết: “Biển Đông là chìa khóa của trao đổi thương mại và tăng trưởng. Nếu ở đây bất ổn, cả thế giới sẽ mất mát”. Đối với các quốc gia có chung biển với Trung Quốc, họ phải chịu hậu quả gián tiếp từ mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Bắc Kinh đưa sang các láng giềng nhiều đoàn khách du lịch và nhiều viện trợ, nhưng các công ty của họ chỉ nhăm nhe nguồn tài nguyên của các quốc gia này.
Trung Quốc thúc đẩy âm mưu lập ADIZ ở Biển Đông
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng xuất bản ở Hong Kong, Trung Quốc đang thúc đẩy việc tuyên bố thành lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Tờ báo dẫn lời một học giả và một chuyên gia hải quân Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng cơ sở lớn nhất của họ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành một đảo nhân tạo có hình dáng đầy đủ và trọn vẹn, bao gồm cả đường băng và cảng biển, nhằm triển khai hiệu quả hơn sức mạnh quân sự của họ ở Biển Đông. Động thái này cho thấy sự thay đổi chính sách của Trung Quốc từ thế phòng thủ sang thế tấn công ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Các chuyên gia phân tích nhận định hoạt động mở rộng đã được lên kế hoạch ở đảo đá ngầm Chữ Thập. Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là một dấu hiệu rõ ràng hơn nữa về sự thay đổi chiến thuật của Trung Quốc trong việc giải quyết những tranh chấp chủ quyền kéo dài, từ thế phòng thủ chuyển sang thế tấn công. Các chuyên gia cho rằng, hành động đó được xem là một bước đi tiến tới việc tuyên bố thành lập ADIZ. Đồng thời, các chuyên gia cảnh báo việc lấn biển tại đảo san hô vòng Đá Chữ Thập sẽ càng làm căng thẳng hơn nữa các mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng.
GS Kim Xán Vinh, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh cho biết, đề xuất xây dựng một đảo nhân tạo ở khu vực đó đã được trình lên chính phủ Trung Quốc. Theo GS Kim Xán Vinh, đảo nhân tạo này ít nhất cũng sẽ có kích cỡ gấp đôi căn cứ quân sự Mỹ ở Diego Garcia, một đảo san hô vòng xa xôi có diện tích 44km2 nằm ở giữa Ấn Độ Dương. Đảo ngầm Đá Chữ Thập hiện có một số cơ sở do Trung Quốc xây dựng, bao gồm một trạm quan sát được ủy thác bởi Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ của UNESCO.
Trong khi đó, Lý Kiệt - chuyên gia hải quân thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc - cho rằng Đảo ngầm Đá Chữ Thập sẽ bao gồm cả đường băng và cảng biển. Theo chuyên gia này, sau khi được mở rộng, hòn đảo này sẽ tiếp tục là nơi đặt trạm quan sát nói trên và là nơi cung cấp tiếp tế và hỗ trợ quân sự của quân đội Trung Quốc.
Một Đại tá về hưu giấu tên của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng cho rằng, việc xây dựng một đường băng ở Đá Chữ Thập sẽ cho phép Trung Quốc chuẩn bị tốt hơn cho việc thiết lập một ADIZ ở Biển Đông.
B.T tổng hợp