.

Trung Quốc xây trường học phi pháp tại Hoàng Sa

.

Ngày 14-6, Trung Quốc khởi công xây dựng trường học trên cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đơn vị hành chính phi pháp mà Bắc Kinh thiết lập trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc đơn phương thiết lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.  							           Ảnh: China Times
Trung Quốc đơn phương thiết lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: China Times

Theo THX, ngôi trường mà Trung Quốc xây dựng mang tên Vĩnh Hưng, bao gồm một trường mẫu giáo và một trường tiểu học, có diện tích lên đến 4.650m2 và tổng đầu tư khoảng 36 triệu Nhân dân tệ (5,76 triệu USD). Theo ông Xiao Jie, người đứng đầu đơn vị hành chính phi pháp Tam Sa, dự kiến hoạt động xây dựng sẽ hoàn thành trong 1,5 năm. Hành động này của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

Tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm nhằm “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng như toàn bộ Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Việt Nam có chủ quyền lâu đời và không thể chối cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, đơn vị hành chính thuộc thành phố Đà Nẵng. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc tại quần đảo này.

Ngày 15-6, TTXVN dẫn lời TS William Choong, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) khu vực châu Á nhận định: Trước những hành vi khiêu khích của Trung Quốc, ASEAN cần tiếp cận mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh để thúc đẩy hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

TS William Choong nói rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là “động thái được tính toán trước” và “đã được Bắc Kinh lên kế hoạch cẩn thận”.

Theo TS William Choong, những hành động của Trung Quốc liên quan tới bãi cạn Hoàng Nham, vùng biển mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền và bãi đá James nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, cùng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu tại vùng biển Việt Nam “là chiến lược được tính toán kỹ càng của Trung Quốc” để dần chiếm toàn bộ khu vực “đường chín đoạn”.

Ông William Choong cũng cho rằng, trước những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, nếu không có phản ứng nào, dù là phản ứng quân sự hay phi quân sự từ các nước tuyên bố chủ quyền ở trong vùng, “Trung Quốc sẽ biến ý đồ của họ thành thực tế và mở rộng cơ bản chủ quyền của mình tại Biển Đông. Điều này sẽ có hại cho an ninh khu vực, vốn được thiết lập trên cơ sở các cuộc thương lượng, cộng tác giữa Trung Quốc và các nước tại châu Á - Thái Bình Dương”.

Về đối sách của Việt Nam, ông William Choong nhấn mạnh: “Rất đáng hoan nghênh khi Việt Nam không leo thang căng thẳng và không sử dụng vũ lực để chống lại các tàu của Trung Quốc ở quanh khu vực đặt giàn khoan”. Ông cũng nói thêm: “Việt Nam đã có cách tiếp cận ôn hòa, hợp lý đối với các thách thức của Trung Quốc tại vùng biển của mình”.

Đối với phản ứng cần thiết của ASEAN trước những âm mưu và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, TS William Choong đặc biệt nhấn mạnh ASEAN cần có cách tiếp cận chung và mạnh hơn với Trung Quốc để thúc đẩy hoàn thành COC, trong khi thuyết phục Bắc Kinh rằng COC có tính chất ràng buộc không chỉ với cường quốc châu Á mà còn với cả các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này. “Việc thông qua COC vào thời điểm này rất quan trọng vì nó quy định cách ứng xử trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và như vậy sẽ rất hữu ích đối với an ninh khu vực”, TS William Choong nói.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.