Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang bị cho là đã cố ám sát Chủ tịch Tập Cận Bình ít nhất 2 lần, tờ China Times (Đài Loan) cho biết trong bài tổng hợp các tin đồn xoay quanh nhân vật đình đám này hôm 30-7.
Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình, lúc còn là phó chủ tịch, tại kỳ họp Đại biểu Hội đồng Nhân dân Trung Quốc hồi tháng 3-2012 |
Theo thông tin chính thức từ Tân Hoa xã vào cuối ngày 29-7, ông Chu, 71 tuổi, đã bị chính phủ điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng”.
Theo các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người từng là đồng minh thân cận của Chu Vĩnh Khang và hiện đang thụ án tù chung thân vì tội tham nhũng, ông Chu đã biết mình sắp “gặp hạn” khi Bạc Hy Lai bị khai trừ khỏi đảng vào ngày 15-3-2012, theo China Times.
Vào hôm 19-3-2013, có nhiều trang mạng Trung Quốc đưa tin cho biết đã có nổ súng ở trung tâm Bắc Kinh và điều này được cho là có liên quan đến Chu Vĩnh Khang, các nguồn tin của China Times cho hay.
Sự việc được cho là đã xảy ra sau khi tỉ phú Từ Minh, chủ tịch tập đoàn cung cấp vật liệu xây dựng Thực Đức Đại Liên và là doanh nhân hỗ trợ tài chính cho ông Bạc, bị cơ quan điều tra tham nhũng bắt giữ.
Chu Vĩnh Khang khi đó lo sợ rằng Từ sẽ khai ra những việc làm sai trái của Bạc Hy Lai (được cho là đã ngầm ra lệnh cho cảnh sát vũ trang dùng vũ lực giải thoát cho tỉ phú Từ, dẫn đến đụng độ với binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trên đường phố Bắc Kinh), theo nguồn tin từ China Times.
Do thấy không thể bịt miệng Từ, Chu Vĩnh Khang cùng đường nên chuyển qua lập mưu ám sát ông Tập Cận Bình, người khi đó đang chuẩn bị lên nhậm chức chủ tịch Trung Quốc, tại hội nghị thường niên Bắc Đới Hà vào tháng 8-2012 bằng cách đặt bom hẹn giờ tại một phòng họp, nguồn tin của China Times cho hay.
Kể từ thời Mao Trạch Đông, lãnh đạo Trung Quốc có truyền thống gặp nhau ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà, một quận thuộc tỉnh Hà Bắc, trong mùa hè để bàn chuyện chính trị, theo BBC.
Tuy nhiên, do kế hoạch này không thành, ông Chu chuyển qua âm mưu tiêm thuốc độc Tập Cận Bình nhân dịp ông này đi khám sức khỏe định kỳ tại một bệnh viện quân đội ở Bắc Kinh.
Ông Chu được cho là đã giao phó trách nhiệm tiến hành cả hai kế hoạch ám sát này cho Tân Hồng, trợ lý và là bảo vệ của mình. Các kế hoạch sau đó đều thất bại và Tân Hồng cũng đã bị cảnh sát bắt giữ, theo China Times.
Sau đó, Chu Vĩnh Khang không còn có mặt tại các cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào những ngày 24-9-2012 và 28-9-2012. Đây là những cuộc họp đưa ra quyết định khai trừ Bạc Hy Lai ra khỏi đảng.
Các nguồn tin còn xác nhận thông tin cho rằng ông Chu và ông Bạc từng cùng âm mưu tiến hành đảo chính để phá quyết định bổ nhiệm ông Tập vào vị trí tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc, cũng như ngăn không cho ông Lý Khắc Cường lên làm thủ tướng.
Trước khi nghỉ hưu vào tháng 11-2012, Chu Vĩnh Khang từng là người đứng đầu Ủy ban Chính pháp, cơ quan quyền lực điều hành lực lượng cảnh sát, tòa án và viện kiểm sát.
Trước đó, ông từng kinh qua các chức vụ như bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và bộ trưởng đất đai và tài nguyên.
TNO