Chiến dịch tranh cử Tổng thống ở Indonesia kéo dài một tháng qua và kết thúc vào ngày 5-7. Đây là cuộc đua “song mã” giữa hai ứng viên: Thống đốc Jakarta Joko “Jokowi” Widodo và ông Prabowo Subianto, cựu Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia.
Ông Prabowo Subianto (trái) và ông Joko Widodo trong chiến dịch tranh cử. Ảnh: Reuters |
Ngày 9-7 tới, cử tri Indonesia sẽ bắt đầu bỏ phiếu để chọn người kế nhiệm Tổng thống Sulio Bambang Yudhoyono. Giới quan sát cho rằng, cuộc đua sẽ gay cấn bởi theo các thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên không chênh lệch nhiều. Reuters cho biết, lương thực, năng lượng, môi trường… là những nội dung chính trong các cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng viên. Và việc vận động tranh cử của cả hai ông đều hướng vào những cử tri chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai (theo khảo sát, con số này khoảng 20%).
Cương lĩnh tranh cử của hai ứng viên hoàn toàn khác nhau. Trong các tuyên bố của mình, ông Joko cam kết mang lại sự thay đổi, đột phá cho Indonesia; trong khi ông Prabowo hứa sẽ ưu tiên phúc lợi xã hội, bảo đảm quyền cơ bản của con người. Vì vậy, bộ đôi Prabowo Subianto - Hatta Rajasa (ứng viên tranh cử chức Phó Tổng thống) được cho là có lợi thế hơn, bởi được sự ủng hộ của tầng lớp cử tri nghèo. Song, theo Reuters, chính ông Joko mới có lợi thế vì vị chính khách này đại diện cho phe cải cách.
Vấn đề được dư luận quan tâm nhất là cuộc chiến chống tham nhũng ở Indonesia. Tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo Suryadharma Ali, người ủng hộ ứng viên Prabowo, phải từ chức sau khi bị Cơ quan chống tham nhũng liên bang KPK cáo buộc liên quan vụ biển thủ trong ngân sách 5 tỷ USD được phân bổ cho các cuộc hành hương đến Mecca. Ông Ali vẫn tuyên bố vô tội.
Tuy nhiên, sự hiện diện của ông và những người khác liên quan vụ tham nhũng trong liên minh 6 đảng, do đảng Phong trào Indonesia vĩ đại của ông Prabowo đứng đầu, làm dấy lên quan ngại rằng, nếu đánh bại Thống đốc Joko thì cựu Tư lệnh này có điều hành đất nước hiệu quả hay không trong 5 năm tới. Bởi vậy, trong cương lĩnh tranh cử, ông Joko hầu như tập trung vào việc chống tham nhũng, thúc đẩy sự minh bạch của bộ máy công quyền…, như một cách thức “phản pháo” đối thủ của mình, bên cạnh việc ưu tiên các lĩnh vực giáo dục, y tế…
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, Indonesia đứng thứ 114/177 quốc gia được khảo sát về tham nhũng. Trong khi đó, Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho hay, tham nhũng vẫn là yếu tố gây trở ngại nhất trong hoạt động kinh doanh ở Indonesia.
Ngoài chống tham nhũng, nhiều vấn đề mà tân Tổng thống sẽ phải đối mặt, trong đó việc cải cách một kinh tế bị ngưng trệ suốt 5 năm qua, chống biến đổi khí hậu… “Chúng ta phải tìm cách cân bằng giữa các lợi ích kinh tế, lợi ích cộng đồng với việc bảo vệ môi trường”, ông Joko nói.
Với khoảng 190 triệu cử tri tham gia bầu cử, người chiến thắng sẽ điều hành một đất nước có dân số đông thứ tư trên thế giới và có số người Hồi giáo nhiều nhất. Cử tri có quyền đòi hỏi nhà lãnh đạo mới của họ phải chống tham nhũng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ có điều việc tân Tổng thống Indonesia vượt qua cái bóng của người tiền nhiệm (tức Tổng thống sắp mãn nhiệm Sulio Bambang Yudhoyono) - người đã điều hành đất nước suốt 10 năm - là điều không dễ.
VĨNH AN