ĐNĐT - Các nhà lãnh đạo thế giới đã đồng loạt yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế đối với vụ bắn rơi máy bay MH17 của Malaysia ở miền đông Ukraine. Vụ việc đã trở thành điểm xoay chuyển cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.
Người ta đặt hoa và nến bên ngoài Đại sứ quán Hà Lan tại Kiev để tưởng niệm các nạn nhân của vụ tai nạn máy bay ở miền đông Ukraine, ngày 17-7. Ảnh: AP |
Thủ tướng Malaysia, Najib Razak đã gọi vụ nổ máy bay MH17 là “một sự chấn động sâu sắc”. Đây là “ngày bi kịch” trong “năm bi kịch” của Malaysia; đồng thời ông yêu cầu việc điều tra “không được bị gây khó khăn dưới bất kỳ hình thức nào”.
“Malaysia không thể làm rõ nguyên nhân của thảm kịch này. Nhưng chúng tôi phải và sẽ tìm ra chính xác chuyện gì đã xảy ra với chuyến bay này. Nếu rõ ràng chuyến bay bị bắn rơi, thì chúng tôi khẳng định rằng thủ phạm phải nhanh chóng được đưa ra xét xử”, ông Najib tuyên bố.
Cả hai phía trong cuộc xung đột nội bộ Ukraine đều cáo buộc nhau bắn rơi máy bay bằng một tên lửa.
Hãng tin Russia Today cho biết, Tổng thống Nga, Vladimir Putin đề nghị vụ rơi máy bay MH17 cần phải được điều tra nghiêm túc và khách quan. Tuyên bố của ông Putin xuất hiện sau khi ông tiếp xúc với Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, để bày tỏ sự thương tiếc đối với những công dân Hà Lan bị thiệt mạng trong thảm họa này.
Giới chức Ukraine vừa ra thông báo đau buồn cho biết trong số 298 người thiệt mạng vì thảm họa hàng không MH17, có tới 80 trẻ em.
"Từ trước nay, những con quỷ của cái gọi là nhà nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk đã giết chết và sử dụng trẻ em Ukraine để làm lá chắn sống", thông cáo của tổng thanh tra nhà nước Ukraine Valeriya Lutkovska viết. "Nay, chúng chìa những bàn tay đẫm máu của chúng tới trẻ em toàn thế giới", BBC dẫn thông cáo cho hay. |
Trước đó, Ủy ban Hàng không Liên quốc gia (IAC), một cơ quan quốc tế đóng tại Nga, có nhiệm vụ điều tra tất cả các tai nạn máy bay dân sự tại hầu hết các nước thuộc Liên Xô cũ, kể cả Ukraine, đã kêu gọi thành lập một nhóm điều tra quốc tế dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hàng không dân sự thế giới (ICAO), để điều tra vụ việc.
IAC cho rằng, hộp đen của máy bay MH17 - vốn đã được tìm thấy tại vùng Donetsk, miền đông Ukraine - nên được chuyển giao cho một nhóm điều tra như vậy.
Theo Reuters, một quan chức Mỹ cho biết, Washington nghi chiếc Boeing 777 của Malaysia bị bắn rơi bằng một tên lửa đất đối không tinh xảo của lực lượng ly khai Ukraine do Moscow hậu thuẫn.
Mỹ kêu gọi một cuộc ngừng bắn ngay lập tức nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp cận hiện trường xảy ra tai nạn. Trong khi đó, lực lượng ly khai miền đông Ukraine nói với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) rằng, họ sẽ đảm bảo an toàn cho các chuyên gia quốc tế tới hiện trường vụ tai nạn.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định "cần phải tiến hành điều tra quốc tế toàn diện, đầy đủ và minh bạch" về vụ việc trên. Ông Ban phát biểu trong một sự kiện truyền thông rằng Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, một cơ quan của LHQ, đang giám sát chặt chẽ thảm họa liên quan đến chiếc MH17 của Malaysia Airlines.
"Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình và người thân của những nạn nhân trên máy bay và người dân Malaysia", ông Ban Ki-moon nói.
Thủ tướng Australia, Tony Abbott tỏ ra mạnh mẽ hơn các nhà lãnh đạo phương Tây trong việc chỉ trích và ngày hôm nay (18-7) đã yêu cầu Moscow trả lời các câu hỏi về “các phiến quân do Nga hậu thuẫn” mà ông cho là đứng sau thảm họa này.
Được biết, có hơn 20 người Australia trong số nạn nhân trên chuyến bay MH17. Hà Lan có 154 công dân trên máy bay đó.
Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono đã kêu gọi mở một cuộc điều tra đối với vụ rơi máy bay, trên đó có ít nhất 12 công dân Indonesia, kể cả 1 trẻ em.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Yudhoyono cho rằng, nếu thực sự chiếc máy bay bị bắn rơi bằng tên lửa quân sự, thì đó sẽ là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và là một tội ác chiến tranh, và thủ phạm phải được trừng trị nghiêm khắc.
Ông cũng nói, Indonesia sẵn sàng tham gia vào nhóm các nhà điều tra quốc tế.