ĐNĐT - Ngày 1-7, liên minh cầm quyền Nhật Bản đã chính thức chấp thuận việc sửa đổi Hiến pháp, đặt nền móng cho việc cho phép quân đội Nhật Bản tham gia chiến tranh ở nước ngoài và bảo vệ đồng minh của Nhật.
Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, cho rằng Nhật cần thay đổi Hiến pháp để đối phó với tình hình an ninh khu vực đang bị xấu đi. Ảnh: AP |
Động thái trên đã mở đường cho Nội các nước này tán thành một trong những thay đổi lớn nhất về chính sách an ninh kể từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai, đó là sẽ cho phép quân đội Nhật bảo vệ các nước khác bằng “tự vệ tập thể”.
Và như vậy, binh lính Nhật sẽ có thể tới hỗ trợ cho đồng minh, chủ yếu là Mỹ, nếu họ bị tấn công từ một kẻ thù chung, thậm chí Nhật không phải là đối tượng bị tấn công.
Chính phủ trước đó từng tuyên bố rằng, Hiến pháp hòa bình của Nhật đã hạn chế việc sử dụng vũ lực để bảo vệ Nhật Bản. Bản Hiến pháp đó được các lực lượng chiếm đóng của Mỹ soạn thảo sau Chiến tranh Thế giới thứ hai với mục đích ngăn ngừa sự quay lại của chủ nghĩa quân phiệt Nhật tại khu vực châu Á.
Điều 9, Hiến pháp hiện nay của Nhật viết rằng: Nhân dân Nhật Bản sẽ từ bỏ chiến tranh vĩnh viễn như là một quyền chủ quyền của đất nước và đe dọa sử dụng vũ lực làm phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế… các lực lượng lục quân, hải quân và không quân cũng như các khả năng chiến tranh khác, sẽ không còn được duy trì.
Thủ tướng Shinzo Abe đang thúc đẩy sự thay đổi bởi ông cho rằng, môi trường an ninh đang bị xấu đi, trong đó có sự trỗi dậy của Trung Quốc và các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.
Bất chấp sự phản đối rộng rãi của công luận Nhật Bản, kể cả việc một người đàn ông tự thiêu tại Tokyo vào ngày 30-6 để phản đối việc thay đổi Hiến pháp, Thủ tướng Abe vẫn tiếp tục thúc đẩy quyền “tự vệ tập thể”.
Phát ngôn viên của chính phủ Nhật, Yoshihide Suga, phát biểu tại một phiên họp báo thường kỳ rằng: “Chính phủ đã nghiên cứu xem liệu có một sự khiếm khuyết trong khuôn khổ bản Hiến pháp hiện hành trong việc bảo vệ cuộc sống của người dân, tài sản Nhật Bản và sự an toàn của nước Nhật… Chúng ta sẽ viết những văn bản pháp luật cần thiết”.
Những người ủng hộ cho rằng, sự thay đổi là cần thiết bởi tình hình an ninh đang xấu đi tại Đông Á, nơi một Trung Quốc ngày càng tự cao đang thúc đẩy các yêu sách chủ quyền và một Triều Tiên bất an đang đe dọa sự ổn định.
Động thái này đã nhận được sự hậu thuẫn từ Washington, vốn lâu nay luôn khuyến khích Nhật Bản có vai trò hơn nữa trong một hiệp ước phòng vệ không cân xứng.