Malaysia gọi vụ bắn rơi máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 chở 298 người là hành động man rợ, vô nhân đạo và tàn ác.
Thi thể các nạn nhân được đưa từ sân bay Kharkiv của Ukraine về Hà Lan. Ảnh: Reuters |
Tuyên bố của Malaysia được đưa ra vào ngày 23-7 khi Hạ viện nhóm họp, cũng là thời điểm hai chiếc máy bay quân sự (máy bay RAF C-17 của Úc và máy bay quân sự của Hà Lan) chở các thi thể nạn nhân nước này rời khu vực phía đông Ukraine để trở về thành phố Eindhoven (Hà Lan), trong sự chờ đợi của Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Maxima cùng thân nhân của 298 nạn nhân). Các gia đình đang mong mỏi được nhận dạng người thân và giải đáp ai đã gây ra thảm kịch. Điều mà họ cảm nhận rõ nhất là chuyến bay “về nhà” lần này bao phủ tang thương.
Mặc dù vẫn chưa xác định được thủ phạm của thảm kịch nhưng vụ việc đang gây tranh cãi giữa Nga, Ukraine và các đồng minh phương Tây.
Còn quá sớm để đổ lỗi
Hãng Bernama cho biết, phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Hạ viện Malaysia, Thủ tướng Najib Razak bày tỏ thất vọng và cả sự tức giận khi hiện trường vụ việc ở phía đông Ukraine đã không được bảo toàn; bởi theo các nguồn tin, có sự dịch chuyển thi thể nạn nhân và xóa dấu vết. Tuy nhiên, ông Najib nói rằng, khi sự thật chưa được làm sáng tỏ thì còn quá sớm để đổ lỗi cho bất kỳ nước nào và cũng không nên có bất kỳ phán đoán để tránh gây ảnh hưởng không tốt đối với gia đình các nạn nhân. Nhà lãnh đạo Malaysia mong muốn Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) lên án mạnh mẽ hành động bắn rơi máy bay MH17 bằng tên lửa đất đối không, đồng thời kêu gọi các bên hợp tác để điều tra vụ việc.
Với các gia đình nạn nhân, Thủ tướng Malaysia cam kết chính phủ sẽ tiếp tục đòi công lý và sẽ tìm ra sự thật. “Những kẻ liên quan thảm kịch này phải bị đưa ra xét xử”, ông Najib nói.
Thủ tướng Najib từng chịu sức ép của dư luận trong nước và quốc tế khi máy bay MH370 mất tích một cách khó hiểu từ ngày 8-3 đến nay. Trong vụ việc này, chính phủ của ông bị chỉ trích dữ dội về việc đã phản ứng chậm trễ, không minh bạch thông tin… Sau hơn 4 tháng, thảm kịch của ngành hàng không một lần nữa xảy ra với Malaysia, làm người dân nước này kinh hoàng.
Reuters tiết lộ thông tin: chính phủ Thủ tướng Najib Razak đã âm thầm đàm phán với phe ly khai ở đông Ukraine để lấy lại hộp đen máy bay MH17 cũng như thi thể nạn nhân và đây là một thành công về ngoại giao, dẫn đến việc đưa được các thi thể nạn nhân về nước. Cụ thể, Thủ tướng Najib đã trực tiếp đối thoại với thủ lĩnh ly khai Donetsk Alexander Borodai qua điện thoại. “Ưu tiên của chúng tôi là không liên can các vấn đề chính trị mà chỉ lấy lại thi thể các hành khách và đưa các nhà điều tra tới hiện trường”, một quan chức Malaysia nói. Ngày 22-7, Malaysia đã tiếp nhận 2 hộp đen từ Ukraine. Nhưng một ngày sau, phía Anh khẳng định nước này đã được chuyển giao hai hộp đen của máy bay MH17 và phải mất 24 tiếng để lấy dữ liệu từ mỗi chiếc hộp đen để gửi cho các điều tra viên quốc tế. Các hộp đen là cơ sở để những nhà điều tra quốc tế, do Hà Lan chỉ huy, tìm hiểu vụ việc.
Thi thể nạn nhân còn nằm lại hiện trường?
Trong lúc đó, giới chức Hà Lan cho hay, họ chỉ đếm được khoảng 200 thi thể trên chuyến tàu có các ngăn lạnh và khoảng 1/3 số thi thể nạn nhân vẫn chưa được bàn giao. Theo Thủ tướng Úc Tony Abbott, có khả năng nhiều thi thể nạn nhân vẫn đang nằm ngoài trời ở miền đông Ukraine. Thông tin của ông Abbott làm nhiều gia đình nạn nhân càng đau buồn bởi hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu thi thể đã được đưa tới thành phố Kharkiv của Ukraine và bao nhiêu thi thể vẫn còn nằm lại hiện trường.
Sau khi đến thành phố Eindhoven của Hà Lan, các thi thể được đưa với căn cứ quân sự Oudheusden Kazerne, gần thị trấn Hilversum. Một đội gồm 150 chuyên gia pháp y đã được triển khai tới căn cứ này để giúp giám định. Hà Lan đã tuyên bố một ngày quốc tang.
AP cũng cho biết, đối mặt với cáo buộc từ Nga rằng, chính Ukraine đã bắn hạ máy bay MH17, chính phủ Kiev tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và công ty Nga. Đây là đòn trả đũa sau khi Mátxcơva đưa ra những bằng chứng buộc tội Kiev.
Liên minh châu Âu (EU) cũng có những động thái tương tự nhằm vào Nga với việc các ngoại trưởng liên minh này thống nhất mở rộng các biện pháp trừng phạt. Hôm nay (24-7), các quan chức cấp cao EU có thể trình danh sách những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các tổ chức, cá nhân liên quan việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và vụ MH17.
Anh vẫn bán vũ khí cho Nga Báo cáo của Quốc hội Anh ngày 23-7 cho biết, London vẫn đang xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự sang Nga. AFP cho biết, thông tin này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Anh David Cameron chỉ trích Pháp bán vũ khí cho Mátxcơva. Xung quanh vụ máy bay MH17 bị bắn rơi, Thủ tướng Cameron luôn có quan điểm cứng rắn, thúc giục Liên minh châu Âu (EU) thông qua lệnh cấm bán vũ khí cho Nga, do cáo buộc Mátxcơva cung cấp vũ khí và huấn luyện cho lực lượng ly khai ở phía đông Ukraine. Ngày 21-7, nhà lãnh đạo Anh khẳng định quốc gia này đã ngừng việc xuất khẩu vũ khí sang Nga. Đối với Pháp, cả Mỹ lẫn Anh đều hoài nghi quyết định của Paris khi vẫn duy trì thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ euro (1,6 tỷ USD) cung cấp 2 tàu chiến cho Nga. Ông Cameron thậm chí nói rằng, sẽ “không thể hiểu được” nếu Anh cung cấp các tàu chiến cho Nga như thế và không một quốc gia châu Âu nào được bán vũ khí cho Mátxcơva. Tuy nhiên, báo cáo của Quốc hội Anh lại phát hiện 251 giấy phép về việc bán vũ khí cho Nga, bao gồm: súng bắn tỉa, đạn dược, thiết bị thông tin liên lạc quân sự… Trong đó, chỉ có 31 giấy phép đã bị đình chỉ hoặc thu hồi. |
PHÚC NGUYÊN