.

"Mỹ không muốn nước lớn chèn ép nước nhỏ trong tranh chấp lãnh thổ"

.

Mỹ không muốn các nước giải quyết tranh chấp bằng biện pháp cưỡng ép và sẽ nêu vấn đề này tại cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung sắp tới tại Bắc Kinh. Đây là tuyên bố của Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Ben Rhodes trong cuộc họp báo tại thủ đô Washington DC sáng 2-7 (theo giờ Việt Nam) về chính sách đối ngoại của Mỹ.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Ben Rhodes
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Ben Rhodes

Phát biểu trước các phóng viên nước ngoài, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes khẳng định, các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và an ninh hàng hải trên Biển Đông và Hoa Đông đang trở thành một tâm điểm không chỉ trong đối thoại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn đối với cả toàn bộ khu vực.

Ông Rhodes nói: "Chúng tôi không muốn các nước giải quyết tranh chấp bằng hành động cưỡng ép. Hiện đã có các công cụ pháp lý quốc tế để giải quyết các tranh chấp này. Trung Quốc và ASEAN cũng đang đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử để tránh leo thang căng thẳng không cần thiết. Quan điểm của Mỹ chỉ đơn giản là không muốn thấy nước lớn 'bắt nạt' nước nhỏ trong tranh chấp lãnh thổ".

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nhấn mạnh các bên liên quan cần hợp tác với nhau để tránh tính toán sai lầm, tránh đối đầu và tìm kiếm biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp, chẳng hạn như trọng tài quốc tế trong trường hợp của Philippines. Ông Ben Rhodes nêu rõ những vấn đề trên sẽ được bàn thảo tại cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung tại Bắc Kinh từ ngày 9 đến 10/7 tới. Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cũng khẳng định, giải quyết tranh chấp lãnh thổ sẽ tiếp tục là chủ đề thảo luận giữa Mỹ và tất cả các nước tại châu Á-Thái Bình Dương.

Về việc Nhật Bản giải thích lại hiến pháp để thực hiện quyền phòng vệ tập thể, Phó Cố vấn Ben Rhodes cho biết Mỹ rất hoan nghênh các bước đi của Nhật Bản trong vấn đề này. Theo ông Rhodes, chính sách phòng vệ tập thể sẽ tạo cơ hội để Nhật Bản đóng góp nhiều hơn trong vai trò một đối tác an ninh của Mỹ cũng như một quốc gia gìn giữ trật tự quốc tế.

Ông Rhodes nói: "Tôi cho rằng chính sách phòng vệ tập thể sẽ tạo điều kiện tốt hơn để Nhật Bản đầu tư vào các hình thức hợp tác quốc tế có lợi cho ổn định. Đó là lý do vì sao tôi cho rằng đây là một bước tiến tích cực".

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã hoan nghênh chính sách phòng vệ tập thể của Nhật Bản.

Quyền phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Marie Harf cho biết: “Chúng tôi đã quan tâm theo dõi việc thảo luận kỹ lưỡng tại Nhật Bản về vấn đề thực thi quyền của mình theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc về “tự vệ tập thể”.

“Chúng tôi hoan nghênh chính sách mới của chính phủ Nhật Bản về tự vệ tập thể và các vấn đề an ninh có liên quan”, phát ngôn viên Harf nói.

Phát ngôn viên Harf cho rằng, liên minh Mỹ-Nhật là “một trong những đối tác an ninh quan trọng nhất của chúng tôi. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của phía Nhật Bản đẩy mạnh sự hợp tác an ninh và cũng đánh giá cao nỗ lực duy trì sự cởi mở và minh bạch thông qua quá trình tạo ra quyết định này để tạo ra chính sách mới”. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng ra tuyên bố nhấn mạnh chính sách phòng vệ tập thể mới cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia nhiều chiến dịch hơn và góp phần nâng cao hiệu quả của quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật. Ông Hagel nêu rõ quyết định trên là một bước tiến quan trọng, giúp Nhật Bản đóng góp nhiều hơn vào hoà bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.

Chính sách phòng vệ tập thể cho phép Nhật Bản hỗ trợ một nước bạn bè trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công, có nghĩa là lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể sử dụng quyền phòng vệ tập thể để tham chiến ở nước ngoài. Đây là điều bị nghiêm cấm theo cách giải thích từ trước đến nay đối với Điều 9 bản Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.

Trong khi đó, Trung Quốc đã tỏ vẻ giận dữ sau khi Nội các Nhật đưa ra quyết định làm mới bản hiến pháp thời hậu chiến của nước này. Phát biểu vào ngày 1-7, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng: “Vì lý do lịch sử, chính sách của Nhật Bản thay đổi trong lĩnh vực quân sự và an ninh đã bị các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế soi rọi ký lưỡng.

“Chúng tôi chỉ biết cách đặt câu hỏi liệu Nhật Bản có thay đổi lộ trình phát triển hòa bình lâu nay kể từ sau khi kết thúc chiến tranh Thế giới thứ hai hay không”, ông Hồng Lỗi nói.

VOV/Quang Hiển

;
.
.
.
.
.