.

Nhật Bản mở rộng vai trò quân sự

.

Việc nội các Nhật Bản ngày 1-7 gỡ bỏ lệnh cấm phòng vệ tập thể được xem là thắng lợi của Thủ tướng Shinzo Abe. Tuy nhiên, động thái này lại làm Trung Quốc tức giận và nhiều cử tri Nhật lo lắng.

Biểu tình diễn ra bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Shinzo Abe nhằm phản đối việc Nhật Bản mở rộng vai trò quân sự. Ảnh: AP
Biểu tình diễn ra bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Shinzo Abe nhằm phản đối việc Nhật Bản mở rộng vai trò quân sự. Ảnh: AP

Reuters gọi việc chính phủ Nhật Bản bỏ phiếu ủng hộ quyền tham gia các hoạt động phòng vệ tập thể qua việc giải thích lại Hiến pháp hòa bình của nước này là “bước đi lịch sử”. Đây cũng là sự thay đổi đáng kể nhất trong chính sách quốc phòng của Nhật kể từ khi quốc gia này thành lập lực lượng vũ trang thời hậu chiến cách đây 60 năm. Theo đó, vai trò quân sự của Nhật sẽ được mở rộng, có thể hỗ trợ các đồng minh trong trường hợp các nước này bị tấn công, thay vì giữ lệnh cấm tham gia các hoạt động chiến đấu ở nước ngoài kể từ Thế chiến thứ hai.

AP cho biết, Nhật Bản sẽ đặt ra những điều kiện sử dụng quân đội để tự vệ, mở rộng “ranh giới tối thiểu”, bao gồm việc phòng vệ tập thể, phòng vệ cho các đồng minh trong hoàn cảnh bị nước ngoài tấn công…

Khi nắm quyền vào năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe muốn thúc đẩy quyền phòng vệ tập thể. Ông từng nhấn mạnh môi trường an ninh đang xấu đi, nhất là với sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc và các mối đe dọa tên lửa, hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, cử tri Nhật lo lắng bởi Hiến pháp (trong đó có Điều 9 giới hạn việc triển khai quân đội, cấm sử dụng vũ lực để dàn xếp các tranh chấp quốc tế) chưa bao giờ được đưa ra thảo luận từ sau Thế chiến thứ hai.

Phát biểu trên truyền hình ngày 1-7, Thủ tướng Abe cho rằng, việc gỡ bỏ lệnh cấm phòng vệ tập thể nhằm bảo vệ cuộc sống và bảo đảm an ninh cho người dân của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. “Đây là điều hạnh phúc cho người Nhật”, ông Abe nói. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định: “Vị thế của Nhật Bản là một đất nước hòa bình sẽ không thay đổi”.

Theo AP, không phải tất cả mọi người đều hài lòng với quyết định của chính phủ. Khoảng 2.000 người biểu tình tập trung bên ngoài văn phòng của Thủ tướng và cho rằng bất kỳ sự thay đổi nào của Hiến pháp cũng nên được thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, chứ không đơn thuần thông qua nội các. “Trong 70 năm, với Hiến pháp, Nhật Bản đã giữ hòa bình”, người biểu tình tên Toshio Ban (67 tuổi) nói. Những người phản đối thậm chí cho rằng, chính sách mới có thể mở cánh cửa để Nhật tham gia các hoạt động quân sự chung như cuộc chiến tranh ở Iraq. Song, Thủ tướng Abe cho biết, nước ông sẽ không tham gia các hoạt động chiến đấu đa phương như Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991 và cuộc chiến tranh Iraq do Mỹ dẫn đầu vào năm 2003.

Mỹ và các nước Đông Nam Á ủng hộ sự thay đổi nói trên. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bày tỏ phản đối. “Bắc Kinh phản đối việc Nhật Bản thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc”, ông Hồng Lỗi nói, đồng thời cho rằng chính sách mới “làm gia tăng hoài nghi về bước đi của Nhật Bản trong việc phát triển hòa bình”.

Reuters cho biết, Hàn Quốc cũng tỏ ra quan ngại và tuyên bố không chấp nhận quyền phòng vệ tập thể của Nhật nếu ảnh hưởng đến an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.