.

Thủ tướng từ chức, nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới tại Ukraine

.

Theo các nhà phân tích, việc ông Arsenyi Yatsenyuk từ chức sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ mới.

Thủ tướng Ukraine  Arsenyi Yatsenyuk (Ảnh: Reuters).
Thủ tướng Ukraine Arsenyi Yatsenyuk (Ảnh: Reuters).

Sau những căng thẳng dẫn tới “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ngay tại phiên họp của Quốc hội từ hai ngày trước, đến ngày 24/7, những diễn biến mới đồng loạt xảy ra đe dọa đẩy chính trường Ukraine vào một cuộc khủng hoảng mới: Buổi sáng, Quốc hội Ukraine thông qua quyết định chấm dứt hoạt động của nhóm nghị sĩ Cộng sản trong Quốc hội, đến chiều tối thì Thủ tướng và Chính phủ tuyên bố từ chức.

Nguyên nhân giải tán nhóm nghị sĩ của những người Cộng sản trong Quốc hội nước này là do không hội đủ mức tối thiểu về số nghị sỹ tham gia. Lực lượng Cộng sản đã giành được 33 ghế trong Quốc hội Ukraine, sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2012. 

Tuy nhiên với những diễn biến chính trị xảy ra trong năm nay, 10 nghị sỹ đã rời khỏi nhóm, trong khi đảng này lại không có người thay thế. Tình trạng này khiến Quốc hội Ukraine phải quyết định giải tán phe Cộng sản. 

Chủ tịch Quốc hội Turchynov giải thích, theo luật mới của Ukraine được thông qua hôm 22/7, Chủ tịch Quốc hội có quyền giải tán một phe trong Quốc hội, nếu phe đó có số người nhỏ hơn so với quy mô ban đầu tại phiên họp đầu tiên. Tuy nhiên, trước việc làm đó, Ông Petro Symonenko, Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Ukraine, đã lên tiếng phản đối, đồng thời cho biết đảng của ông sẽ phản đối quyết định này tại các tòa án của Ukraine và Tòa án Nhân quyền châu Âu.

Về việc giải tán Liên minh cầm quyền, trước đó, Đảng Svoboda (Tự do) theo đường lối chủ nghĩa dân tộc và Đảng Udar (Cú đấm) của cựu vô địch quyền anh Vitaly Klitschko đều thông báo rút khỏi liên minh. Cũng bởi thế, Chủ tịch Quốc hội Turtrinov đã tuyên bố, việc giải tán Liên minh này sẽ mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử sớm tại nước này.

Theo Hiến pháp Ukraine, quốc hội có 30 ngày để thành lập một liên minh mới. Nếu nỗ lực này thất bại, tổng thống khi đó có thể giải tán Quốc hội và yêu cầu tiến hành một cuộc bầu cử mới.

Sau tất cả những diễn biến này, chiều tối 24/7 từ diễn đàn phiên họp Quốc hội, Thủ tướng Arsenyi Yatsenyuk đã tuyên bố từ chức và theo luật pháp Ukraine toàn bộ Chính phủ cũng phải từ chức. 

Giải thích việc từ chức của bản thân và Chính phủ, Thủ tướng Arsenyi Yatsenyuk cho rằng, Chính phủ sẽ không thể làm việc được nếu thiếu phe đa số trong Quốc hội. Thêm vào đó, ông không đồng tình với việc các nghị sỹ đã không ủng hộ đề xuất của chính phủ về những thay đổi ngân sách và thuế đang khiến cắt giảm các chương trình xã hội và gây áp lực lên các hoạt động của đất nước. 

Ông Yatsenyuk tuyên bố: “Liên minh đa số sụp đổ, các luật không được thông qua và không có gì để chi trả cho binh lính, cảnh sát, bác sỹ, giáo viên… Không có tiền để mua vũ khí… Các quyết định nhằm bổ sung quỹ dự trữ khí đốt của Ukraine, để chúng ta có thể sống qua mùa đông, không được thông qua… Chính phủ và Thủ tướng cần phải từ chức. Tôi tuyên bố từ chức!”.

Việc Thủ tướng Ukraine và cùng với đó là Chính phủ tuyên bố từ chức, theo nhận định của các nhà phân tích, sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ mới, kể từ sau khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine hồi tháng 5. 

Một số ý kiến đánh giá, việc Thủ tướng Yatsenyuk từ chức là để giũ bỏ trách nhiệm trước những khó khăn chất chồng mà Ukraine đang gần như chưa có lối thoát.

VOV

;
.
.
.
.
.