Ông Hà Lê (Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư - Bộ NN&PTNT), cho biết lực lượng Kiểm ngư từ thực địa vừa báo cáo tại thực địa đã không còn tàu của Trung Quốc.
Tàu hải cảnh TQ 46102 khi chạy về hướng Tây Bắc vẫn cắt mũi tàu làm nhiệm vụ của VN lúc 5g sáng ngày 16-7. |
Toàn bộ tàu của Trung Quốc đã theo áp tải, bảo vệ giàn khoan về phía đảo Hải Nam.
Ông Hà Lê nhận định nhiều khả năng giàn khoan rút về do đã thăm dò, thu thập đủ thông tin. Cơn bão Rammansun như vô tình trở thành cơ hội để Trung Quốc rút giàn khoan về.
“Trung Quốc thì rất nhiều mưu mô, không thể tin những gì họ nói, cũng không thể lường trước được. Vì thế, kể cả nó đã rút về thì lực lượng Kiểm ngư vẫn rất cảnh giác, theo dõi và cập nhật tình hình trong những ngày tới” - ông Hà Lê nói.
Theo ông Hà Lê, ngay khi có thông tin về cơn bão Rammansun sẽ đổ bộ vào khu vực biển Hoàng Sa, Cục Kiểm ngư đã lên kế hoạch, phương án để các tàu Kiểm ngư, cũng như các tàu ngư dân đang hoạt động trên khu vực này sẽ về bờ để trú tránh bão. Đến lúc này, phía Trung Quốc đã rút tàu và giàn khoan về rồi, nhưng lực lượng Kiểm ngư vẫn chưa có lệnh rút.
Sơ đồ thể hiện đường di chuyển của giàn khoan Hải Dương-981đến rạng sáng ngày 16-7. |
* Trước đó, lúc 21h10’ ngày 15-7, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã phát hiện sự di chuyển của giàn khoan Hải Dương-981.
Đến 4g sáng 16-7, giàn khoan Hải Dương-981 đã di chuyển cách vị trí ban đầu khoảng 20 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc.
Đại tá Ngô Ngọc Thu, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cũng xác nhận Trung Quốc đang rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Ông Thu cho biết thêm dù giàn khoan Hải Dương-981 đang rút dần nhưng các lực lượng của ta vẫn đang duy trì hoạt động thực thi pháp luật tại vùng biển Hoàng Sa. |
Khi di chuyển, giàn khoan Hải Dương 981 luôn đi ổn định theo hướng Bắc Tây Bắc với vận tốc 4,3 hải lý/h.
Đến 7g sáng 16-7, giàn khoan Trung Quốc tiếp tục di chuyển so với vị trí ban đầu khoảng hơn 50 hải lý.
Các tàu Trung Quốc lần lượt rút gần hết khỏi vị trí giàn khoan, chỉ để lại một số tàu nhỏ.
Tàu Trung Quốc có 3 lớp bảo vệ vòng tròn, vòng trong cùng có 16 tàu bảo vệ xung quanh giàn khoan, vòng thứ hai kết thành chữ L về phía tây và tây nam giàn khoan, cơ động theo đội hình hàng ngang và hàng dọc.
Tốp thứ 3 trên 10 tàu thả trôi cách giàn khoan 10 hải lý về phía đông và đông nam.
Tại thời điểm 18 giờ 30 ngày 16-7, giàn khoan Hải Dương-981 đã dịch chuyển khỏi vị trí cũ 41 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 163 hải lý về phía Tây Nam, ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hôm qua, Tân hoa xã cho biết, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) thông báo rằng, đã hoàn tất hoạt động khoan thăm dò ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, của Việt Nam.
Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc cho biết đã phát hiện “dấu hiệu của dầu và khí đốt” trong quá trình khoan thăm dò và sẽ tiến hành "đánh giá các dữ liệu thu thập được" để "quyết định bước đi tiếp theo".
CNPC đã khoan thăm dò bất hợp pháp 2 giếng dầu tại khu vực này từ đầu tháng 5 vừa qua và kết thúc hoạt động thăm dò bị dư luận quốc tế phản đối trên vào ngày 15-5 và ngày 25-7.
Giàn khoan do Công ty Dịch vụ Dầu khí Trung Quốc cung cấp sẽ được tái bố trí để hoạt động tại đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Hoạt động thăm dò dầu của Trung Quốc từ giàn khoan Hải Dương-981 |
Tân Hoa xã dẫn lời ông Khâu Trung Kiến, chuyên gia địa chất dầu khí thuộc viện kỹ thuật Trung Quốc cho rằng sở dĩ Trung Quốc cho rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ra khỏi khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là để bảo vệ an toàn tính mạng cho công nhân Trung Quốc đang làm việc trên giàn khoan, cũng như trang thiết bị của giàn khoan này trong thời điểm mùa bão đang bắt đầu ở Biển Đông.
Ông này còn cho rằng dù đã phát hiện có nguồn dầu ở khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan này trong vùng biển của Việt Nam nhưng tạm thời chưa cho khai thác vì Bắc Kinh còn phải tổng hợp, phân tích và đánh giá những tài liệu về khu vực này.
“Khi chưa có những đánh giá này thì tạm thời không để giàn khoan Haiyang Shiyou 981 khai thác dầu ở khu vực này” - ông Khâu cho biết.
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và dư luận quốc tế trong suốt thời gian qua.
TTO/VOV