.

Trung Quốc lại tuyên bố ngang ngược trên Biển Đông

.

Trung Quốc ngày 15-7 yêu cầu Mỹ rút khỏi các tranh chấp trên Biển Đông và để các nước trong khu vực tự giải quyết các vấn đề.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam hồi đầu tháng 5. 			Ảnh: AP
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam hồi đầu tháng 5. Ảnh: AP

Tuyên bố trên của Trung Quốc được đưa ra sau khi ông Michael Fuchs, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách chiến lược và quan hệ đa phương khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nói rằng Washington xem hành vi “khiêu khích và đơn phương” của Trung Quốc làm gia tăng những hoài nghi về thiện chí của Bắc Kinh trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Reuters cho biết, việc Trung Quốc tuyên bố nắm giữ chủ quyền 90% Biển Đông làm dư luận quốc tế và nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á bất bình, lo ngại. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, nước này sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải (bất chấp sự phản đối của các nước khác) và sẽ giải quyết trực tiếp vấn đề với các nước liên quan. Theo tuyên bố này, Bắc Kinh thậm chí lớn lối đòi các nước “lập tức rút nhân sự và thiết bị ra khỏi các đảo của Trung Quốc bị chiếm đóng bất hợp pháp” (!?), đồng thời yêu cầu các nước ngoài khu vực giữ sự trung lập (hàm ý chỉ Mỹ). Thực tế, dù liên tục có những hành vi gây hấn trên Biển Đông nhưng Bắc Kinh vẫn khẳng định nước này tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Mỹ muốn 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc ngồi vào bàn nghị sự, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế theo DOC mà cả hai đã ký kết vào năm 2002. Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng được đề cập tại Đối thoại Kinh tế và Chiến lược, diễn đàn thường niên giữa Mỹ và Trung Quốc, ở thủ đô Bắc Kinh hồi tuần trước. Trong đó, Washington mong muốn giải quyết vấn đề bằng đối thoại đa phương, còn Bắc Kinh vẫn khăng khăng muốn đối thoại song phương với các nước liên quan.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho hay, cường quốc châu Á này và ASEAN đang thực hiện DOC cũng như thúc đẩy các bước đối thoại để hướng đến Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC). Trung Quốc cũng thường xuyên đưa ra lập luận rằng, sẽ giải quyết tranh chấp trên cơ sở “tôn trọng sự thật lịch sử” và luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, tuyên bố của Trung Quốc và những gì diễn ra thực tế lại trái ngược nhau. AFP dẫn lời một nhóm chuyên gia nghiên cứu của Mỹ cho rằng, các nước láng giềng của Trung Quốc đang lo lắng bởi tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông có nguy cơ dẫn đến xung đột quân sự. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 93% số người dân Philippines khi được hỏi đã bày tỏ quan ngại như vậy. Ở Nhật Bản, con số này là 85% và Hàn Quốc là 83%. Tại Trung Quốc, khảo sát cho thấy, 62% người dân cũng có chung suy nghĩ trên. Đó là chưa tính đến việc Trung Quốc cũng đang có tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.

Trong khi đó, tạp chí The Diplomat cũng đăng bài viết khẳng định chính các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông là nguyên nhân gây bất ổn ở châu Á.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.