.

Trung Quốc ngang ngược xây dựng kho dữ liệu biển đảo ở Hoàng Sa

.

Trong lúc dư luận quốc tế tiếp tục lên án việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì nước này vẫn tiếp tục có thêm những động thái khiến tình hình gia tăng căng thẳng.

Trung Quốc ngày càng có những hành động khiêu khích, hung hãn trên Biển Đông
Trung Quốc ngày càng có những hành động khiêu khích, hung hãn trên Biển Đông

Tiếp sau việc ngang nhiên công bố bản đồ khổ dọc “nuốt trọn” Biển Đông, đưa toàn bộ Biển Đông vào khu vực cảnh báo bão, thì mới đây Bắc Kinh lại tuyên bố hoàn thành việc xây dựng kho dữ liệu biển đảo ở quần đảo Hoàng Sa, đưa phao tiêu phát sáng ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa phục vụ công tác tuần tra hàng hải, phối hợp với công ty dầu khí nước ngoài ký hợp đồng phân chia sản phẩm ở Biển Đông.

Ngày 4-7, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc công bố thông tin: Trung Quốc đã hoàn thành kho hồ sơ dữ liệu biển đảo ở quần đảo Hoàng Sa. Đài này dẫn thông tin từ Tổng đội Hải giám tỉnh Hải Nam cho biết, từ tháng 4-2014, lực lượng Hải Giám Trung Quốc đã phối hợp với các cơ quan chức năng khác tiến hành điều tra thực tế đối với các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp của Việt Nam, tiến hành thu thập các số liệu về điều kiện sống và điều kiện sản xuất trên các đảo nói trên, sau đó hình thành một kho dữ liệu chung, nhằm chia sẻ thông tin cho các cơ quan chức năng của Trung Quốc nghiên cứu sử dụng.

Trước đó, ngày 2-7, Bộ giao thông vận tải Trung Quốc cũng đã tổ chức đưa 4 phao tiêu phát sáng ra đảo Phú Lâm để phục vụ cái gọi là “tuần tra hàng hải” trong vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đặc biệt, báo chí nước này còn tiết lộ thông tin Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vừa ký hợp đồng với Công ty ENI của Italy về việc phân chia sản phẩm đối với một lô dầu khí tại Biển Đông. Hợp đồng mà Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc ký với công ty ENI là hợp đồng phân chia sản phẩm, có diện tích khai thác là 2.000 km2, thời gian thăm dò khai thác là 6 năm rưỡi.

Mặc dù phía Trung Quốc không tiết lộ lô dầu khí nói trên có nằm trong vùng biển tranh chấp hay không, nhưng dù nằm ở khu vực nào, thì những hành động nêu trên của Trung Quốc đều là việc làm thiếu thiện chí, khiến tình hình Biển Đông càng thêm căng thẳng.

VOV

;
.
.
.
.
.