Trung Quốc đang nghiên cứu khả năng đóng một nhà máy nổi sản xuất khí hóa lỏng trị giá hàng tỷ USD, có thể sẽ được dùng ở Biển Đông.
Mô hình giàn khoan khí hóa lỏng (FLNG) của Shell. Ảnh: Rigzone |
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang nghiên cứu tiền khả thi để đánh giá chi phí và doanh thu tiềm năng của công nghệ giàn khoan khí hóa lỏng (FLNG), ông Xie Bin, chuyên gia nghiên cứu trưởng phụ trách vùng nước sâu của công ty này, phát biểu hồi tháng trước.
"Với vùng biển tranh chấp, chúng ta cần tự cung tự cấp vì chúng ta không thể trông chờ sự hỗ trợ trên bờ từ các nước láng giềng", Reuters dẫn lời ông Xie nói. Ông không đưa ra ước tính chi phí đóng một giàn khoan, nhưng các chuyên gia trong ngành khác cho hay con số có thể lên tới hàng tỷ USD.
Feng Qin, chuyên gia trưởng về thiết kế công trình ngoài khơi, thuộc tập đoàn hóa chất và dầu khí Trung Quốc Sinopec, nói ông đã biết về nghiên cứu của CNOOC cũng như kế hoạch nghiên cứu công nghệ FLNG của các công ty năng lượng Trung Quốc khác. Ông cho rằng đây là lựa chọn có thể sử dụng ở Biển Đông.
"FLNG có lợi thế vượt trội khi khai thác các mỏ khí nước sâu quy mô tương đối nhỏ, so với đường ống dưới biển", ông Feng nói. Tại vùng biển tranh chấp, việc bảo vệ riêng một con tàu sẽ dễ dàng hơn đường ống dài hàng trăm km.
Trung Quốc hiện chỉ phát hiện một mỏ khí lớn duy nhất tại vùng nước sâu ở Biển Đông. Đó là mỏ Liwan 3-1 ở vùng biển không tranh chấp ngoài khơi Hong Kong. Mỏ đang được CNOOC và tập đoàn Husky Energy của Canada cùng khai thác. CNOOC hiện có 4 khu vực sản xuất khí đốt, bao gồm vịnh Bột Hải, biển Hoa Đông, phía đông Biển Đông và phía tây Biển Đông. Đặc biệt, công ty này có tham vọng mở rộng hoạt động khai thác ở vùng biển ngoài khơi phía nam.
CNOOC hồi tháng 5 đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào hạ đặt gần quần đảo Hoàng Sa, trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và ngang nhiên thực hiện hoạt động thăm dò. Theo Xinhua, giàn khoan mới đây ngừng hoạt động sau khi khoan hai giếng và phát hiện dấu hiệu của dầu khí. Nó sẽ được di chuyển về địa điểm của dự án mang tên Hainan Lingshui (Lăng Thủy Hải Nam).
Các chuyên gia đánh giá Trung Quốc lợi dụng tính chất thương mại của giàn khoan để biện bạch cho mưu đồ bành trướng chủ quyền nhằm hiện thực hóa yêu sách 9 đoạn ở Biển Đông.
VnExpress