Sáng nay 16-7, giới truyền thông quốc tế đã nhanh chóng đăng tải đậm thông tin Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Phóng viên Reuters chụp ảnh giàn khoan Hải Dương 981 và tàu Trung Quốc hoạt động trên vùng thềm lục địa của Việt Nam hôm qua 15-7 - Ảnh: Reuters |
Hãng tin Reuters đưa tin Tân Hoa xã cho biết giàn khoan Hải Dương-981 sẽ được di dời tới một địa điểm gần đảo Hải Nam. Reuters nhận định việc Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương-981 có thể giúp giảm căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ được Mỹ hoan nghênh.
Trước đó Washington từng cáo buộc các hành động của Trung Quốc đã khiêu khích và gây bất ổn trên Biển Đông. Hôm qua, một phóng viên Reuters đã tận mắt chứng kiến một tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị một nhóm tàu Trung Quốc hung hãn tấn công tại khu vực giàn khoan.
Báo Mỹ New York Times đưa tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố việc di dời giàn khoan không phải là “hành động rút lui”. Báo này dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đánh giá có thể Trung Quốc rút giàn khoan sớm và đưa ra tuyên bố đã hoàn thành việc thăm dò nhằm gỡ gạc thể diện sau hai tháng đối đầu căng thẳng với Việt Nam.
Báo Wall Street Journal đánh giá việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam đã khiến quan hệ hai nước suy giảm trầm trọng. Mỹ cũng chỉ trích dữ dội hành động của Trung Quốc là mang tính khiêu khích. WSJ cũng cho rằng diễn biến mới này sẽ giúp giảm căng thẳng trên Biển Đông.
AP khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan tới vùng biển Việt Nam bị rất nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá là khiêu khích. “Sức mạnh quân sự của Bắc Kinh đang khiến rất nhiều nước khu vực và Mỹ lo ngại. Mỹ từng chỉ trích giàn khoan là một phần trong cách hành xử của Trung Quốc để đòi chủ quyền theo cách đe dọa hòa bình và ổn định khu vực” - AP nhấn mạnh.
Chuyên gia Glaser thuộc CSIS bày tỏ việc Trung Quốc rút giàn khoan do Bắc Kinh đã xác định tổn thất của hành động gây hấn này vượt xa những lợi ích mà nó mang lại. Bà cũng nhấn mạnh quan điểm đã được New York Times đăng là Trung Quốc muốn giữ thể diện khi dời giàn khoan sớm hơn dự kiến 15-8.
Chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận định có khả năng Trung Quốc rút giàn khoan sớm một tháng vì vấn đề thời tiết xấu trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông cảnh báo Việt Nam cần cẩn trọng trước những ý đồ khác mà Trung Quốc sẽ thực hiện sau đó.
TTO