.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc "có vấn đề"

.

Một quan chức cấp cao Mỹ ngày 8-7 nói rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông là “có vấn đề” và những hành động của cường quốc châu Á này làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.

Tàu Trung Quốc và tàu Philippines trong một lần đối đầu gần khu vực cả hai cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.  Ảnh: AFP
Tàu Trung Quốc và tàu Philippines trong một lần đối đầu gần khu vực cả hai cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ảnh: AFP

AFP cho biết, phát biểu trên được đưa ra trước thềm các cuộc hội đàm cấp cao Mỹ - Trung diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Bắc Kinh vào ngày 8-7 để tham dự Đối thoại Kinh tế và Chiến lược lần thứ 6, cuộc họp thường niên giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hai ngày diễn ra các cuộc hội đàm sẽ hướng tới tìm ra con đường cho mối quan hệ Trung - Mỹ khi đối mặt với nhiều khác biệt trong các vấn đề trên Biển Đông, biển Hoa Đông và cả vấn đề an ninh mạng…

Theo AFP, Trung Quốc còn có tranh chấp biển đảo với Nhật Bản, một đồng minh có hiệp ước với Mỹ. Các quan chức cùng đi với Ngoại trưởng John Kerry nói rằng, họ hết sức quan ngại về “việc các bên tuyên bố chủ quyền sẵn sàng sử dụng các lực lượng quân sự, bán quân sự và tuần duyên nhằm thúc đẩy những tuyên bố của nước mình”.

“Sự mơ hồ của đường chín đoạn là rất có vấn đề”, một quan chức Mỹ đi cùng ông Kerry nói. Theo AFP, Trung Quốc đã áp đặt bằng vũ lực các hoạt động thăm dò dầu khí của họ ở khu vực này bằng những đội tàu lớn, phun vòi rồng, đâm vào tàu và bắt ngư dân các nước khác.

Quan chức Mỹ còn nhấn mạnh: Căng thẳng gia tăng “liên quan rất nhiều tới Mỹ với tư cách là một cường quốc ở Thái Bình Dương, một quốc gia thương mại lớn, một người sử dụng các đường biển và người bảo đảm dài hạn cho sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Mỹ nhiều lần nhấn mạnh cường quốc này không đứng về phía nào trong việc tranh chấp lãnh thổ. Song, Washington cáo buộc Bắc Kinh đã có các hành động làm bất ổn trong khu vực và thúc giục nước này bảo đảm tự do hàng hải ở những vùng biển trọng yếu.

Tại Bắc Kinh, ông Kerry dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm nay (9-7).

Trong lúc đó, nhiều học giả quốc tế tiếp tục chỉ trích hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong một bài viết mới đây, ông Rivislei Gonzalez Saez, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế của Cuba, nhận định rằng Trung Quốc đã hành động sai lầm tại Biển Đông.

Theo ông Saez, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trước đó, Trung Quốc cũng gây xung đột với Philippines trong vấn đề tranh chấp biển đảo, đồng thời gây ra mối quan ngại sâu sắc với Hàn Quốc và Nhật Bản khi đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Chuyên gia Saez nhấn mạnh: Trung Quốc đề nghị giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, nhưng lại có những hành động đi ngược lại lời nói của chính mình. Điều này gây quan ngại sâu sắc đối với các quốc gia liên quan, các nước khác trong khu vực cũng như Mỹ. Thực tế, điều mà Trung Quốc làm đối với các quốc gia láng giềng đã gây lo ngại, căng thẳng, bất ổn và đặt các quốc gia láng giềng trong tình trạng cảnh giác. Vì vậy, sự phản kháng của các quốc gia láng giềng sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Ông Saez cho rằng, những căng thẳng mà Trung Quốc gây ra với Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng. Tiêu cực hơn chính là cách hành xử của Trung Quốc với việc phát động một chiến dịch tuyên truyền hung hăng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tấn công Việt Nam.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.