Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, từng chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley, được cho là đang còn giữ khoảng 20 con tin phương Tây, làm dấy lên lo ngại những người này có thể là nạn nhân tiếp theo trong các vụ hành quyết.
Greta Ramelli (trái) và Vanessa Marzullo bị bắt cóc ở Syria hồi đầu tháng. Ảnh: Facebook/Telegraph. |
Ngoài đe dọa sẽ chặt đầu nhà báo Steven Sotloff, kẻ xuất hiện ở cuối đoạn video hành quyết nhà báo James Foley, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) còn đang giam giữ nhiều nhân viên cứu trợ. Trong số này được cho là có hai công dân Italy, gồm Vanessa Marzullo, 21 tuổi, và Greta Ramelli, 20 tuổi.
Ba nhân viên của Ủy ban Quốc tế Hội Chữ thập đỏ (ICRC) cũng đang là con tin của IS. Họ thuộc nhóm gồm 7 nhân viên bị bắt cóc tháng 10/2013. Bốn người trong số này được trả tự do ngay sau đó. Hội Chữ thập đỏ chưa công bố thông tin cụ thể về quốc tịch, giới tính cũng như tuổi của những người này.
"Thông qua mạng lưới của ICRC tại khu vực, chúng tôi đang tiến hành những nỗ lực sâu rộng nhằm đảm bảo ba đồng nghiệp còn lại được trả tự do", một phát ngôn viên của Hội Chữ thập đỏ nói. "Chúng tôi không thể cung cấp chi tiết về vấn đề này để đảm bảo an toàn cho những đồng nghiệp đang bị bắt cóc".
Bà Antonella, mẹ của Ramelli, cho biết con gái đã bộc lộ tính cách thích chăm sóc người khác từ khi 12 tuổi, bắt đầu bằng việc giúp đỡ một khu nhà dành cho người về hưu. "Khi nghe con gái nói rằng 'mẹ ơi, họ đang giết hại trẻ em ở quốc gia đó, con phải tới đó giúp đỡ', bạn có thể nói gì đây?", bà Antonella trả lời tờ Prealpina của Italy, khi được hỏi tại sao không ngăn con gái tới Syria. "Bạn có thể thay đổi con gái, người có những ý nghĩ mạnh mẽ về sự đoàn kết và đồng cảm của con người?".
Ramelli và Marzullo mất tích ở gần thành phố Aleppo, Syria, hồi đầu tháng. Bộ Ngoại giao Italy hôm qua từ chối bình luận về khả năng hai người này đang nằm trong tay nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Theo AFP, ngày 21-8, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, có tổng cộng 12.000 phần tử “thánh chiến” nước ngoài đến từ 50 quốc gia, trong đó có Mỹ, đang hoạt động tại Syria kể từ khi cuộc xung đột ở đây bắt đầu. Một quan chức giấu tên ước tính có hơn 100 người quốc tịch Mỹ đã đến Syria để gia nhập các nhóm Hồi giáo cực đoan, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), lực lượng chống đối chính quyền ông Bashar al-Assad ở Syria và đang lan rộng sang nước láng giềng Iraq. |
VnExpress/VOV