.

Chiến dịch không kích tại Syria: Nhiều trở ngại với Mỹ

.

Trong lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama cân nhắc chiến dịch không kích nhằm vào các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, các quan chức dưới quyền ông cảnh báo Washington sẽ gặp những trở lại lớn.

Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên đường phố Raqqa, Syria. Ảnh: AP
Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên đường phố Raqqa, Syria. Ảnh: AP

Những trở ngại được đặt ra bao gồm: việc thiếu hụt thông tin tình báo về các mục tiêu tấn công, các mối quan ngại về hệ thống phòng không của Syria và lực lượng chiến binh IS có thể có vũ khí chống máy bay hiệu quả. Hiện Lầu Năm Góc xem xét khả năng mở chiến dịch, xuất phát từ việc IS công bố đoạn băng hành quyết man rợ nhà báo Mỹ James Foley. Không những thế, IS tuyên bố đó là thông điệp mà tổ chức này muốn gửi đến Mỹ, làm dấy lên những lo ngại về mối đe dọa từ IS còn lớn hơn cả Al-Qaeda.

Theo Reuters, chưa rõ các cuộc không kích sẽ diễn ra khi nào và được tiến hành ra sao, nhưng việc ông Obama đưa các máy bay do thám đến Syria là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phê chuẩn chiến dịch chống IS ở Damascus, chứ không dừng lại trong phạm vi Iraq. Tuy nhiên, ông Aaron David Miller, cựu cố vấn của Mỹ về Trung Đông, nói rằng tất cả cuộc không kích đều tiềm ẩn nhiều rủi ro và chiến dịch không kích ở Syria có lẽ không phải là một ý tưởng hay.

Hồi đầu tháng 8 này, Tổng thống Obama đã ra lệnh không kích chống lại IS ở Iraq. Lực lượng chiến binh này được cho đang có mặt ở Iraq và Syria, với thành phần gồm các tay súng từ nhiều khu vực: Trung Đông, châu Âu, Chechnya, Bắc Mỹ, Anh…

Song, theo các nhà phân tích, việc nhằm vào các mục tiêu ở Syria sẽ khó khăn hơn ở Iraq do thiếu thông tin tình báo thực địa đáng tin cậy. Trong khi đó, ở Iraq, việc đánh vào các mục tiêu thuận tiện hơn nhờ lực lượng người Kurd và người Iraq cung cấp thông tin tình báo. Nếu thiếu thông tin tình báo, các chiến dịch của Mỹ có thể gây thương vong cho thường dân và thậm chí “sa lầy” ở chiến trường Trung Đông này. Đó là chưa kể các nhà chức trách Mỹ thừa nhận họ chưa hiểu về khả năng và sự di chuyển của IS. Bên cạnh đó, hệ thống phòng không do Nga chế tạo đang được áp dụng ở Syria cũng là mối quan ngại đối với Mỹ. Điều đáng nói là sau hơn 3 năm nội chiến ở Syria, hệ thống phòng không này vẫn nguyên vẹn.

Reuters dẫn lời nhà phân tích chiến lược cấp cao Eric Thompson tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ cũng cho rằng, việc đưa máy bay vào không phận Syria khác so với ở Iraq, do có vũ khí phòng không phức tạp hơn, trong đó một số hiện nằm trong tay IS.

Theo giới quan sát, nếu muốn đánh bại IS, Mỹ phải bắt tay với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, đến lúc này, ông Obama vẫn từ chối hợp tác với ông Assad. Vì vậy, kế hoạch của Mỹ tấn công IS sẽ khó diễn ra bởi nhà lãnh đạo Syria từng tuyên bố không cho phép bất kỳ nước nào thực hiện chiến dịch quân sự trên lãnh thổ của họ mà không được sự cho phép từ chính phủ Damascus. Trong lúc này, Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo Tổng thống Assad không phải là đối tác của phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố mà là đồng minh của các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Syria và Iraq. Pháp đang kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm giúp phối hợp hành động chống IS.

Hãng AP cho rằng, việc Mỹ mở rộng chiến dịch không kích vào Syria phù hợp với luật pháp quốc tế. Cơ sở rõ ràng nhất cho hành động quân sự là nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Song, Tổng thống Barack Obama sẽ gặp khó khăn để có được sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an. Bởi lẽ, Nga - đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, có thể dùng quyền phủ quyết để bác bỏ chiến dịch của Mỹ, trừ khi chiến dịch này được phối hợp với chính phủ Damascus.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.