.

Khủng hoảng chính trị sâu sắc ở Iraq

.

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki cáo buộc tân Tổng thống Fouad Massoum vi phạm hiến pháp. Diễn biến mới này càng đẩy chính phủ vào khủng hoảng chính trị trong lúc đối mặt với sự trỗi dậy của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS).

Những người ủng hộ Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki tập trung trên đường phố thủ đô Baghdad.  						          Ảnh: AP
Những người ủng hộ Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki tập trung trên đường phố thủ đô Baghdad. Ảnh: AP

Cuộc đấu tranh quyền lực đang diễn ra ở Iraq cùng với các vụ tấn công của IS đánh dấu khủng hoảng nghiêm trọng nhất ở quốc gia này kể từ khi Mỹ rút quân về nước vào năm 2011. Mặc cho khủng hoảng nhân đạo ở Iraq đang gia tăng với khoảng 200.000 người mới đây trở nên vô gia cư do các vụ bạo lực, chính trường nước này vẫn đang rối ren. Phiên họp Quốc hội ngày 11-8 cũng phải hoãn lại đến ngày 19-8.

AP cho biết, ông Maliki đang có những động thái để tiếp tục nắm thêm nhiệm kỳ thứ 3 mặc dù trước đó, nhà lãnh đạo này cam kết không tranh cử nữa. Trong một phát biểu trên truyền hình vào đêm 10-8 (giờ Baghdad), ông Maliki bất ngờ tuyên bố sẽ đệ đơn kiện tân Tổng thống về tội vi phạm hiến pháp. Vị Thủ tướng người Shiite nói rằng, Tổng thống đang cản trở việc ông tái tranh cử. Theo ông, tân Tổng thống Fouad Massoum, người được Quốc hội bầu, đã thực hiện “cuộc đảo chính chống lại hiến pháp và tiến trình chính trị”. AP còn dẫn lời ông Maliki chỉ trích gay gắt rằng, ông Massoum đã phớt lờ việc bổ nhiệm một Thủ tướng người Shiite - giáo phái chiếm đa số trong Quốc hội và thời hạn cuối của việc bổ nhiệm (ngày 10-8) đã trôi qua.  

Thực tế, ông Massoum là người Kurd và quan hệ giữa chính phủ Maliki với vùng tự trị người Kurd căng thẳng trong nhiều tháng qua. Trong lúc đó, lực lượng đặc biệt của Iraq vốn trung thành với Thủ tướng Maliki và các chiến binh Shiite triển khai đông đảo tại các giao lộ chính ở Baghdad, bất chấp cảnh báo của Mỹ rằng, không nên hủy hoại các nỗ lực thành lập một chính phủ mới. Hai trong số các tuyến đường chính tại thủ đô bị phong tỏa. Chính phủ Iraq cũng gia tăng báo động an ninh trên khắp thành phố này.

Chưa rõ Thủ tướng Maliki đã chính thức đệ đơn lên tòa án để kiện Tổng thống Massoum chưa. Tuy nhiên, hành động của ông gây những quan ngại đối với Mỹ và LHQ.

Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đưa ra tuyên bố rõ ràng: Washington ủng hộ tân Tổng thống Massoum và bác bỏ bất kỳ nỗ lực “ép buộc hoặc thao túng” trong tiến trình chọn một lãnh đạo mới ở Iraq. Đại diện LHQ tại Iraq, Nickolay Mladenov kêu gọi người dân quốc gia vùng Vịnh này “kiềm chế trong lúc nguy hiểm”, đồng thời nói rằng “lực lượng đặc biệt của Iraq nên kiềm chế mọi hành động can thiệp vào các vấn đề liên quan đến việc chuyển giao quyền lực chính trị”. Mỹ và phương Tây muốn gây sức ép buộc ông Maliki từ chức vì đã áp dụng nhiều chính sách thiên vị người Shiite, gạt người Hồi giáo Sunni ra bên lề, khiến làn sóng phản đối lan rộng.

Nắm quyền từ năm 2006, ông Maliki giờ đây không còn là sự lựa chọn của Washington nữa; chính phủ của Tổng thống Barack Obama dường như mất kiên nhẫn với nhà lãnh đạo này khi Iraq liên tục rơi vào bất ổn, một phần do chính sách của ông Maliki đối xử không công bằng với các giáo phái. Tổng thống Obama vốn thúc giục các chính trị gia Iraq thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc để đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ IS. Tuy nhiên, ông Maliki đi ngược lại mong muốn của Washington.

Chuyên gia phân tích về Trung Đông, Kamran Bokhari cho rằng, Thủ tướng Maliki sẽ khó có được nhiệm kỳ 3 và trong cuộc đấu tranh quyền lực này, ông đang chơi một canh bạc đầy rủi ro.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.