.

Mỹ - Trung lại "khẩu chiến"

.

Sau khi Nhà Trắng tố máy bay Trung Quốc áp sát máy bay do thám của Mỹ là “hành động khiêu khích”, nay báo chí Trung Quốc tố ngược lại rằng, Bắc Kinh có thể xem các chuyến bay do thám của Washington là “hành động thù địch”.

Máy bay Su-27 của Trung Quốc được cho là đã áp sát máy bay do thám của Mỹ. 					                                                     Ảnh: Reuters
Máy bay Su-27 của Trung Quốc được cho là đã áp sát máy bay do thám của Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo AFP, ngày 25-8, báo chí Trung Quốc đồng loạt gọi các chuyến bay do thám của Mỹ là “hành động thù địch”. Tờ Thời báo Hoàn Cầu (The Global Times) đăng tải bài viết chỉ trích hoạt động do thám của Mỹ “trên các vùng duyên hải và không phận Trung Quốc”. Bài viết nhấn mạnh: “Hoạt động do thám như thế đặt ra mối đe dọa đối với các lợi ích an ninh cốt lõi của Trung Quốc, có thể coi là hành động thù địch”. Trong khi đó, tờ Trung Quốc Nhật báo (China Daily) cáo buộc Mỹ hủy hoại niềm tin song phương.

Cuối tuần qua, Thiếu tướng Mỹ John Kirby cho biết, máy bay chiến đấu có trang bị vũ khí của Trung Quốc đã 3 lần tiến sát máy bay do thám P-8 Poseidon của Mỹ, chỉ cách gần 9m. Ông John Kirby xem động thái này là sự ngăn chặn của Trung Quốc nhưng rất nguy hiểm cho phi hành đoàn Mỹ và không phù hợp với thông lệ của luật pháp quốc tế. Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Ben Rhodes cũng cho rằng, đó là hành động khiêu khích và gây quan ngại sâu sắc.

Tuy nhiên, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân, những cáo buộc đó hoàn toàn vô căn cứ. Người phát ngôn này nói rằng, máy bay Trung Quốc duy trì khoảng cách an toàn với máy bay Mỹ, nhưng chính việc trinh sát ở cự ly gần với quy mô lớn, tần suất cao của Washington nhằm vào Bắc Kinh là căn nguyên gây nguy hiểm tới an ninh quân sự trên không, trên biển giữa hai cường quốc, đồng thời dẫn đến những sự cố ngoài ý muốn.

Vụ việc chạm trán xảy ra ở không phận Biển Đông, cách đảo Hải Nam 220km. Mỹ khẳng định khu vực này là lãnh hải quốc tế nhưng Trung Quốc khăng khăng tuyên bố đây là lãnh thổ của cường quốc hàng đầu châu Á (!?). Theo các nhà chức trách Lầu Năm Góc, chiếc chiến đấu cơ của Trung Quốc chặn máy bay do thám của Mỹ là máy bay đánh chặn Su-27.

Thực tế, việc máy bay Mỹ và Trung Quốc áp sát nhau không phải là chuyện hiếm hoi. Tháng 4-2001, một vụ việc tương tự xảy ra cũng trên không phận gần đảo Hải Nam trên khi một máy bay trinh sát Mỹ EP-3 bị một chiếc phản lực của Trung Quốc áp sát đến mức va chạm, làm phi công Trung Quốc thiệt mạng và buộc máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp. Vụ việc năm 2001 làm quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng. Phía Bắc Kinh đổ lỗi chiếc EP-3 gây ra vụ va chạm, thậm chí giam giữ 24 thành viên phi hành đoàn của Mỹ và đòi Washington phải xin lỗi.

Theo các nhà phân tích, việc Mỹ tăng cường các chuyến bay giám sát Trung Quốc là một phần trong chiến lược “xoay trục” về châu Á, đồng thời đối phó với sự hung hăng của Bắc Kinh khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang có tranh chấp chủ quyền với các nước trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, máy bay chiến đấu của Trung Quốc áp sát một máy bay Mỹ. Song, AP dẫn lời các nhà quan sát nhận định: Động thái của Trung Quốc cùng với những tuyên bố của nước này về chủ quyền trong thời gian qua minh chứng Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ tham vọng chiếm giữ Biển Đông. Đó là chưa kể mới đây, 4 tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đi vào lãnh hải của Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.