Mỹ đã đề ra phương kế tổng hợp, kết hợp sức mạnh quân sự với ngoại giao, vây ép IS từ mọi hướng rồi tiến tới đánh quỵ hẳn lực lượng này.
Tướng Dempsey và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel |
Đại tướng Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ vừa cho hay, các vụ không kích mà Mỹ tiến hành nhằm vào các chiến binh Hồi giáo Iraq đã làm chậm đà tiến của chúng, nhưng việc đánh bại hẳn lực lượng này sẽ đòi hỏi cách tiếp cận rộng rãi trong toàn khu vực với sự ủng hộ từ các nước láng giềng Iraq, và việc kết hợp nỗ lực ngoại giao với chính trị.
Tướng Dempsey tuyên bố vào hôm 24-8 (giờ Mỹ) rằng chiến lược dài hơi để đánh bại các chiến binh Iraq bao gồm việc Mỹ và đồng minh sẽ phải tiếp cận các láng giềng của Iraq như Jordan, Saudi Arabia, và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Đánh đổ phiến quân IS không phải là việc riêng của chúng ta”, tướng Dempsey nói.
Một liên minh như vậy sẽ “ép chặt IS từ nhiều hướng nhằm phá rối lực lượng này trước khi đánh bại hoàn toàn nó,” tướng Dempsey phân tích.
Các nhận định trên được tướng 4 sao Dempsey đưa ra trong chuyến làm việc với Bộ Chỉ huy Trung tâm (quân đội Mỹ) nhằm chuẩn bị “các phương án đối phó vấn đề Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria với nhiều công cụ quân sự khác nhau bao gồm không kích”, Đại tá Ed Thomas, phát ngôn viên của tướng Dempsey nói trong một thông cáo.
“Nhà nước Hồi giáo” (IS) đã chứng tỏ là một thế lực tàn bạo đến mức cả Iraq và Mỹ đều có thể dễ dàng tìm kiếm các đối tác sẵn lòng phối hợp đánh bại lực lượng này.
Tướng Dempsey nhấn mạnh, chỉ sức mạnh quân sự không thôi là không đủ. Chiến lược đánh bại nhóm này sẽ dựa trên cách tiếp cận toàn diện bao gồm các nỗ lực về chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết nỗi thống khổ của hàng triệu người Sunni ở một đất nước mà chính phủ do người Shiite nắm giữ.
Lực lượng phiến quân "Nhà nước Hồi giáo" IS |
Nhà nước Hồi giáo đã tận dụng sự bất mãn của người Sunni nhằm giành ủng hộ của một bộ phận đáng kể dân chúng Iraq. Mỹ cho biết họ có kế hoạch tăng cường hỗ trợ cho chính quyền Iraq trong bối cảnh chính quyền này bắt đầu có tính đại diện rộng rãi hơn. Quốc hội Iraq đã đề cử một tân thủ tướng, ông Haider al-Abadi, người cam kết xây dựng một chính phủ mới đại diện cho nhiều thành phần trong xã hội, đáp ứng các nguyện vọng của cả người Sunni và các nhóm xã hội khác.
“Nếu thiếu những yếu tố này,” tướng Dempsey nói, “thì sức mạnh quân sự cũng chẳng đi tới đâu cả”. “Cần phải tiếp cận cộng đồng Sunni một cách toàn diện và tích cực, thuyết phục họ thấy rằng IS không phải là con đường dẫn tới tương lai”.
Cho đến nay Mỹ đã gửi các nhóm quân sự tới Iraq để đánh giá hiệu quả của quân đội Iraq.
Khoảng 4 sư đoàn quân đội Iraq đã tan rã vào tháng 6 khi IS chiếm được Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq.
Tướng Dempsey cho biết dựa trên các thông tin từ các nhóm đánh giá này, phía Mỹ sẽ cân nhắc việc trợ giúp quân sự trong trường hợp tiếp tục tấn công.
Giới chức Mỹ thận trọng cho rằng tiến trình Iraq sẽ dài lâu và bản thân các cuộc không kích không giải quyết được gốc rễ của xung đột tại đây. Hiện nay các cuộc không kích của Mỹ được giới hạn vào việc bảo vệ công dân Mỹ và hỗ trợ các hoạt động nhân đạo. Các mục tiêu tấn công đều dễ dàng nhận diện từ trên không và đều nằm xa các đơn vị quân đội Iraq.
Trong tương lai, các cuộc không kích có thể trở nên phức tạp hơn nếu lực lượng chính quy của Iraq bắt đầu tấn công quy mô lớn để tái chiếm lãnh thổ.
Tướng Dempsey thừa nhận khi các lực lượng này hội quân, mọi việc sẽ khó khăn hơn.
Kể từ khi chiến dịch không chiến của Mỹ bắt đầu vào ngày 8-8, Mỹ đã mở 96 cuộc không kích vào các vị trí của Nhà nước Hồi giáo, tập trung vào miền bắc Iraq nhằm giải cứu người Yazidi bị IS bao vây trên núi và ngăn chặn IS chiếm được Irbil, thủ phủ của khu vực người Kurd.
Ngoài ra các cuộc không kích này còn hỗ trợ hiệu quả cho các lực lượng trên bộ của Iraq và người Kurd tái chiếm con đập chiến lược Mosul.
Theo Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ, có tới 62 cuộc không kích đã đánh trúng mục tiêu.
Tướng Dempsey kết luận, các đợt không kích này đã khiến đà tiến của quân IS chậm lại, đồng thời đập tan một phần hình ảnh bất khả chiến bại của quân IS.
VOV