.

Nga - Ukraine khó hóa giải bất đồng

.

Cuộc hội đàm mặt đối mặt giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko suốt 2 tiếng đồng hồ không mang lại sự đột phá đáng kể nào trong việc tháo gỡ khủng hoảng ở đông Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko gặp gỡ tại Belarus.  					Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko gặp gỡ tại Belarus. Ảnh: Reuters

Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine tại thủ đô Minsk (Belarus) ngày 26-8 được kỳ vọng là cơ hội hiếm hoi để chấm dứt các cuộc xung đột đẫm máu ở vùng chiến sự phía đông Ukraine. Tuy nhiên, 2 tiếng đồng hồ Tổng thống Putin và Tổng thống Poroshenko gặp gỡ trực tiếp cùng với 6 tiếng hội đàm trước đó với sự tham dự của các quan chức Liên minh châu Âu (EU), Belarus và Kazakhstan không đạt được tiến triển nào đáng kể. Không những thế, nhà lãnh đạo Ukraine còn mô tả cuộc gặp với ông chủ Điện Kremlin là “rất khó khăn và phức tạp”.

Phát biểu với báo giới ngày 27-8, Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ làm mọi việc để ủng hộ tiến trình hòa bình chấm dứt tình trạng đổ máu. Tổng thống Poroshenko cũng cam kết thúc đẩy kế hoạch ngừng bắn khẩn cấp. Tuy nhiên, phía Mátxcơva bác bỏ bất kỳ điều kiện ngừng bắn nào từ phía Kiev. “Chúng tôi không thể đề cập các điều kiện ngừng bắn, hay các thỏa thuận có thể giữa Kiev, Donetsk và Luhansk”, ông Putin nói. Vì vậy, vẫn chưa rõ thời gian sớm nhất để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, thời hạn của lệnh ngừng bắn cũng như phản ứng của phe ly khai như thế nào.

Reuters dẫn lời Tổng thống Putin nói rằng, không thể giải quyết khủng hoảng ở đông Ukraine bằng biện pháp quân sự mà không tính đến những lợi ích sống còn khác. Còn theo ông Poroshenko, cách tốt nhất là thiết lập các hoạt động kiểm soát hiệu quả biên giới hai nước và ngăn chặn việc tuồn vũ khí cho quân ly khai. Hiện Ukraine và phương Tây vẫn cáo buộc Nga đứng sau lực lượng ly khai, cụ thể là cung cấp vũ khí và hỗ trợ binh sĩ. Song, Nga khăng khăng bác bỏ các cáo buộc này.

Theo Reuters, đàm phán ở Minsk được thúc đẩy sau 5 tháng xung đột ở đông Ukraine, đánh dấu căng thẳng leo thang giữa Nga với các thành viên NATO. Báo cáo của LHQ cho hay, hơn 2.200 người đã thiệt mạng ở vùng chiến sự, không kể 298 hành khách trên máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi hồi tháng 7 vừa qua. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng dẫn đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU nhằm vào Nga, và Mátxcơva “ăn miếng trả miếng” bằng những đòn trừng phạt về kinh tế. Tất cả động thái này đều tác động đến sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu.

Đóng vai trò trung gian hòa giải, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko mong muốn có sự đột phá. Ông thừa nhận rằng đàm phán đã diễn ra khó khăn bởi còn những bất đồng không dễ gì tháo gỡ. Song, ông Lukashenko vẫn nhận định các cuộc gặp là một hướng đi đúng đắn và có thể xem là thành công.

Trong khi đó, về phía Nga, người đứng đầu của cơ quan dự báo thuộc Bộ Kinh tế Nga Oleg Zasov cho rằng, nền kinh tế của quốc gia này đang bên bờ suy thoái, do tác động của các biện pháp cấm vận từ Mỹ và EU. Tăng trưởng trong năm nay được dự báo chỉ 0,5%, so với 1,3% trong năm ngoái.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.