Hôm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố văcxin chống virút tử thần Ebola sẽ sớm được thử nghiệm và có mặt rộng rãi trên thị trường từ năm 2015.
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân Tây Ban Nha Miguel Pajares lên xe cứu thương ở sân bay Torrejon, Madrid, sau khi được chuyển từ Liberia về Tây Ban Nha điều trị - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, Phó tổng giám đốc WHO Marie - Paule Kieny khẳng định việc đưa văcxin chống virút Ebola vào sử dụng trong năm 2015 là điều “thật sự sẽ diễn ra”.
Chuyên gia Jean-Marie Okwo Bele, phụ trách lĩnh vực văcxin của WHO, cho biết Hãng dược Anh GlaxoSmithKline sẽ thử nghiệm lâm sàng văcxin này vào tháng tới.
“Bởi vì đây là trường hợp khẩn cấp, chúng tôi có thể sử dụng các quy trình khẩn cấp để đưa văcxin vào sử dụng trong năm 2015” - chuyên gia Bele tuyên bố.
Như vậy, WHO sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn thử nghiệm để tạo điều kiện cho việc sớm đưa văcxin chống virút Ebola vào sử dụng.
Ví dụ văcxin chỉ cần đạt kết quả tốt ở một nhóm nhỏ người được thử nghiệm là sẽ được tung ra thị trường để đối phó với đại dịch ở Tây Phi.
Dù vậy, bà Kieny khẳng định các cuộc thử nghiệm vẫn phải được tiến hành cẩn trọng.
Bệnh nhân thứ ba sử dụng ZMapp
Mới đây, tổng giám đốc WHO Margaret Chan cho biết Ebola là dịch bệnh lớn nhất trong 40 năm qua tại khu vực Tây Phi. Dịch bệnh này đã khiến gần 1.000 người thuộc bốn nước Liberia, Nigeria, Sierra Leone và Guinea thiệt mạng. |
“Nếu chúng ta sử dụng thuốc một cách mù quáng, chúng ta sẽ không xác định được văcxin thật sự có hiệu quả hay không” - bà Kieny cảnh báo. Năm 2009, WHO bị chỉ trích đã giúp các hãng dược kiếm lợi lớn từ bán văcxin chống virút cúm heo.
Tuy nhiên, bà Kieny khẳng định WHO thà bị mang tiếng có hành vi gây xung đột lợi ích hơn là bị chỉ trích vì không làm gì.
Hiện một số hãng dược đang thử nghiệm văcxin chống Ebola. ZMapp, một loại thuốc đặc trị do Công ty Mỹ Mapp Biopharmaceutical sản xuất, đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn.
Hai bệnh nhân Mỹ sử dụng ZMapp đã có dấu hiệu cải thiện sức khỏe. Hôm qua, chính quyền Tây Ban Nha cho biết linh mục 75 tuổi bị nhiễm virút Ebola ở Liberia cũng sẽ được chữa trị bằng ZMapp.
Việc sử dụng thuốc thử nghiệm ZMapp đã gây tranh cãi trong thời gian qua. Trước đó Mapp Biopharmaceutical mới chỉ thử nghiệm loại thuốc này trên cơ thể khỉ. Việc hai bệnh nhân người Mỹ được chữa trị bằng ZMapp đã làm dấy lên dư luận Chính phủ Mỹ có sự thiên vị đối với người da trắng.
Lãnh đạo các nước châu Phi đã kêu gọi Mỹ cung cấp loại thuốc này.
Phong tỏa biên giới
Mới đây Zambia đã ra lệnh cấm công dân bốn nước bị dịch bệnh Ebola hoành hành nhập cảnh vào nước này. Bộ trưởng Y tế Zambia Joseph Kasonde cho biết tất cả sự kiện quốc tế có sự hiện diện của các đại biểu đến từ những nước trên sẽ bị hoãn hoặc hủy. Chính quyền Guinea cũng cho biết tạm đóng cửa biên giới với Liberia và Sierra Leone.
Trong khi đó tại miền bắc Liberia, nhiều người dân đang đối mặt với nguy cơ thiếu thốn lương thực sau khi nhà chức trách ra lệnh cách ly và ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 8-8.
“Mọi người đều đang hoảng loạn. Chúng tôi sợ chết đói” - AFP dẫn lời anh Siaffa Kamara, sống tại Bopolu, cho biết. “Các phòng khám đóng cửa. Sao chúng tôi có thể sống sót nếu không có thực phẩm. Các nạn nhân chết đói sẽ nhiều hơn chết vì Ebola” - một phụ nữ tên Miatta Sharif cho biết.
Tại Sierra Leone, nhà chức trách cũng bố trí 1.500 cảnh sát và binh sĩ để thực hiện biện pháp cách ly tại các khu vực bùng phát dịch Ebola.
Theo chính quyền Sierra Leone, đây là biện pháp cần thiết nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh này. Hôm qua, chính quyền Nigeria cũng đã kêu gọi người tình nguyện tham gia hỗ trợ nỗ lực ngăn chặn dịch.
Ở châu Á, Ấn Độ ban bố tình trạng báo động tại các sân bay. Chính phủ cũng mở đường dây nóng để kịp cập nhật tin tức về dịch Ebola. Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan cho biết Ấn Độ đã thiết lập hệ thống giám sát quy mô toàn quốc. Ấn Độ có gần 45.000 công dân sống tại các nước có dịch Ebola.
TTO