.

Thất bại của Thủ tướng Maliki

.

Thủ tướng Iraq sắp mãn nhiệm Nouri al-Maliki dường như càng bị cô lập khi Quốc hội, tân Tổng thống Fouad Massoum và Mỹ đều ủng hộ Thủ tướng mới được bổ nhiệm, ông Haider al-Ibadi.

Các cuộc biểu tình ủng hộ ông Nouri al-Maliki vẫn diễn ra ở Baghdad. Ảnh: AP
Các cuộc biểu tình ủng hộ ông Nouri al-Maliki vẫn diễn ra ở Baghdad. Ảnh: AP

Ngày 12-8, ông Nouri al-Maliki tuyên bố tiếp tục nắm quyền và phản đối việc Phó Chủ tịch Quốc hội Haider al-Abadi được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới trong 30 ngày. “Đất nước này được trao cho ngài”, Tổng thống Fouad Massoum nói với ông Abadi sau khi đồng ý với sự lựa chọn của các nghị sĩ người Shiite thuộc Liên minh Dân tộc Iraq (INA). Tuy nhiên, AFP cho rằng, việc chọn ông Ibadi là đòn giáng nặng nề vào Thủ tướng sắp mãn nhiệm, bởi nhà lãnh đạo này bị chối bỏ cơ hội có thêm nhiệm kỳ thứ ba sau 8 năm nắm quyền. Điều đáng nói, bản thân ông Abadi là thành viên trong đảng Dawa của ông Maliki, thuộc khối đảng của người Shiite chiếm đa số trong Quốc hội mới được bầu hồi tháng 4 vừa qua.

Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi việc bổ nhiệm ông Ibadi là “bước tiến đầy hứa hẹn” và thúc giục tất cả nhà lãnh đạo chính trị Iraq làm việc với nhau trong hòa bình thông qua tiến trình chính trị. Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, việc thành lập chính phủ Iraq đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự ổn định ở quốc gia này trong lúc đối mặt với sự trỗi dậy của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông Kerry kêu gọi Thủ tướng Maliki không làm leo thang căng thẳng chính trị. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hoan hỉ gọi đây là “bước tiến hướng tới việc thành lập chính phủ ở Iraq” và kêu gọi tất cả lãnh đạo chính trị kiềm chế. Tuy nhiên, ông Maliki vẫn khăng khăng rằng, quyết định bổ nhiệm nói trên là hành động vi hiến nghiêm trọng, đồng thời chỉ trích sự can thiệp từ bên ngoài, nhất là từ Mỹ.

AFP dẫn lời các nhà phân tích nhận định: việc Iraq có Thủ tướng mới là bước đột phá quan trọng giữa lúc bế tắc chính trị kể từ cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4 nhưng cũng làm phức tạp thêm cuộc đấu tranh quyền lực đang diễn ra. Điều này cho thấy ông Maliki đã mất sự ủng hộ của liên minh các đảng Shiite, dù thất bại của ông không phải là điều bất ngờ. Những người chỉ trích cho rằng, bằng sự độc quyền và theo đuổi chính sách phân biệt sắc tộc, chính ông Maliki đã góp phần làm nên khủng hoảng chính trị sâu sắc ở Iraq. Không có dấu hiệu ông Maliki sẽ chuyển giao quyền lực và ra đi lặng lẽ, đồng thời cũng chưa rõ vị chính trị gia người Shiite này có dùng vũ lực để tiếp tục tại vị hay không.

Trong lúc này, Thủ tướng tương lai cam kết sẽ thành lập một chính phủ “bảo vệ cho người dân Iraq”. Ông Abadi sinh năm 1952, được bầu vào Quốc hội năm 2006 với cương vị Chủ tịch Ủy ban Kinh tế, Đầu tư và Tái thiết. Ông giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội vào tháng 7 vừa qua.

Cũng giống ông Maliki và các chính trị gia cấp cao khác của Iraq, Abadi sống ở nước ngoài nhiều năm khi trở về Iraq. Ông từng ở Anh và lấy bằng tiến sĩ về điện và điện tử tại Đại học Manchester vào năm 1981.

Cũng theo AFP, dù thành lập được chính phủ trong vòng 30 ngày nhưng ông Abadi vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức trên cương vị Thủ tướng, bởi có quá nhiều vấn đề cần được tháo gỡ tại Iraq: nạn tham nhũng tràn lan, sự thiếu hụt các dịch vụ cơ bản như điện, nước sạch, cùng với sự chia rẽ tôn giáo và sắc tộc. Song, trên tất cả là vấn đề an ninh bởi lực lượng nổi dậy hiện kiểm soát nhiều khu vực ở 5 tỉnh và mỗi tháng đều có hàng trăm người thiệt mạng.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.