.
Thế giới tuần qua

Khó tháo gỡ khủng hoảng ở đông Ukraine

.

Đoàn xe của Nga vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến các khu vực miền đông Ukraine đã gây nhiều tranh cãi. Song, rốt cuộc Mátxcơva và Kiev đã thống nhất về thủ tục cho phép đoàn xe viện trợ nhân đạo đi vào lãnh thổ Ukraine.

Các binh sĩ Ukraine bắt giữ một người tình nghi là gián điệp của các chiến binh thân Nga tại trạm kiểm soát gần  Debaltseve, khu vực Donetsk ngày 16-8.                Ảnh: AFP
Các binh sĩ Ukraine bắt giữ một người tình nghi là gián điệp của các chiến binh thân Nga tại trạm kiểm soát gần Debaltseve, khu vực Donetsk ngày 16-8. Ảnh: AFP

Việc Ukraine chấp nhận cho đoàn xe viện trợ của Nga vào lãnh thổ quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ không hẳn là dấu hiệu cho thấy căng thẳng đã chấm dứt. Bởi lẽ, thực tế, Ukraine và phương Tây vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn nghi ngờ đoàn xe này là “vỏ bọc” cho việc đưa vũ khí vào khu vực phía đông Ukraine. Hơn nữa, lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga và sự đáp trả “ăn miếng trả miếng” của Mátxcơva vẫn còn đó.

Phía Nga khẳng định: Đoàn xe viện trợ gồm 280 xe tải chở gần 2.000 tấn hàng tiếp tế, trong đó có nước sạch, thực phẩm cho trẻ em, thiết bị y tế, túi ngủ, máy phát điện và nhiều loại hàng viện trợ khác. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế sẽ chịu trách nhiệm phân phát số hàng viện trợ này cho người dân ở đông Ukraine.

Trong lúc đó, có những cáo buộc rằng, Ukraine đã nã pháo tiêu diệt một phần đoàn xe bọc thép của Nga xâm nhập lãnh thổ hôm 15-8. Động thái này được xem là dấu hiệu căng thẳng cao độ giữa Mátxcơva và Kiev. Ngày 17-8, các ngoại trưởng Nga, Ukraine, Đức và Pháp nhóm họp khẩn cấp tại thủ đô Berlin để tìm giải pháp tháo gỡ khủng hoảng. Tổng thống Pháp Francois Hollande gọi việc nhóm họp là bước đi đầu tiên hướng đến cuộc gặp gỡ song phương trực tiếp giữa lãnh đạo Nga và Ukraine. Ông Hollande kêu gọi Ukraine kiềm chế trong chiến dịch trấn áp lực lượng nổi dậy ở phía đông. 4 tháng giao tranh ở đông Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã làm hơn 2.100 người chết và khoảng 5.000 người khác bị thương. Khu vực này cũng rơi vào tình trạng thảm họa nhân đạo. Theo con số của LHQ, có đến hơn 285.000 người rời bỏ nhà cửa để tránh các cuộc đụng độ.

Chưa có dấu hiệu rõ ràng về triển vọng của cuộc gặp ngày 17-8, nhưng Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeie hy vọng các bên ngồi lại sẽ giúp chấm dứt được giao tranh, đồng thời đưa “viện trợ cần thiết và khẩn cấp” vào đông Ukraine. Còn Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin khẳng định: “Các cuộc đối thoại sẽ không dễ dàng. Điều quan trọng là Nga dừng cung cấp vũ khí và binh sĩ”.

Vấn đề đặt ra là Nga đang đối mặt với rất nhiều sức ép. Mới đây nhất, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng yêu cầu Mátxcơva dừng ngay việc cấp vũ khí cho quân ly khai và đi tới một lệnh ngừng bắn. Còn Thống đốc Luhansk, Irina Verigina, nói rằng bà không muốn nhận viện trợ từ Nga.

Hãng Reuters cho rằng, nếu Nga và Ukraine rơi vào cuộc chiến thì Mỹ và các đồng minh hẳn sẽ đối mặt với sự lựa chọn khó khăn khi ủng hộ một nước không có ý định trở thành thành viên đầy đủ của NATO. Nhiều tháng qua, Washington và các nước khác đối đầu với chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi cho rằng, hành động của Mátxcơva ở Ukraine là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, theo Reuters, thực tế cả Mỹ lẫn châu Âu đều muốn tránh cuộc đối đầu giữa các siêu cường hạt nhân.

Giải pháp ngoại giao được cho là cách hữu hiệu để tháo gỡ khủng hoảng. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng đề cập điều này. Tuy nhiên, khó có bên nào chịu nhượng bộ để thúc đẩy giải pháp này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.