Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thúc giục một thỏa thuận nhằm chấm dứt các hành động gây căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước ASEAN trên Biển Đông.
Các ngoại trưởng ASEAN và các quan chức tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Vấn đề Biển Đông được đặt trên bàn nghị sự Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) diễn ra vào ngày 10-8 tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar. ARF là đối thoại an ninh thường niên giữa các ngoại trưởng ASEAN với các đối tác: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và Liên minh châu Âu (EU).
AP cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thúc giục Trung Quốc và các nước láng giềng có những bước đi mới nhằm giảm căng thẳng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. “Mỹ và ASEAN có trách nhiệm chung nhằm bảo đảm an toàn hàng hải và các tuyến đường biển quan trọng của toàn cầu. Chúng ta cần phối hợp để giảm căng thẳng trên Biển Đông, thông qua các biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế”, ông Kerry nói.
Philippines kiên quyết với “kế hoạch 3 bước”
Vấn đề được đặc biệt quan tâm tại các hội nghị của ASEAN tại Naypyitaw là “kế hoạch 3 bước” của Philippines. Theo đó, Manila kêu gọi đình chỉ ngay các hành động gây căng thẳng; thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và thành lập cơ chế hòa giải. “Căng thẳng trên Biển Đông trở nên nghiêm trọng trong những tháng qua và tiếp tục xấu đi”, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói.
Tuy nhiên, kế hoạch của Manila vấp phải sự phản đối gay gắt của Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh “quyết không thay đổi quan điểm lập trường về chủ quyền lãnh hải” trên Biển Đông. Ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc không chấp nhận đàm phán đa phương, thay vào đó chỉ đàm phán song phương với các nước liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời bác “kế hoạch 3 bước” của Philippines. Ngoại trưởng Trung Quốc lớn tiếng cho rằng, đề xuất của Manila “làm gián đoạn đàm phán giải quyết tranh chấp”, “hủy hoại lợi ích chung của Trung Quốc và ASEAN”, “gây ra những vấn đề mới” và thậm chí “có ý đồ khác”. Không những thế, ông còn cho rằng, Manila đã bỏ qua các bước đầu mà tiến thẳng bước thứ ba: tìm kiếm sự phân xử của trọng tài quốc tế.
Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, “kế hoạch 3 bước” phù hợp với DOC mà ASEAN và Trung Quốc đã ký kết vào năm 2002.
ASEAN quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông
Tại các Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+1 với các đối tác, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada và Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3, vấn đề Biển Đông được đặc biệt quan tâm. ASEAN và đối tác bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng ở Biển Đông trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Các hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực hơn nữa nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết được đề cập trong DOC, trước hết là quy định tại Điều 5 của DOC về thực hiện kiềm chế, không được có hành động gây bất ổn định và làm phức tạp tình hình; cần đẩy mạnh thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình và ổn định ở khu vực.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tái diễn vụ giàn khoan Gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào chiều 8-8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tái khẳng định lập trường nguyên tắc của Việt Nam đối với các vấn đề trên biển. Phó Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là hai bên cần cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển; kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình và quan trọng nhất là không để tái diễn vụ việc tương tự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định tình hình phức tạp, căng thẳng ở Biển Đông cho thấy sự cần thiết phải nghiêm chỉnh thực hiện DOC và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). TTXVN |
B.T tổng hợp