.

Tổng thống Vladimir Putin: Nga không xung đột với thế giới

.

Đến thăm bán đảo Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, Mátxcơva chú trọng lợi ích của đất nước nhưng không xung đột với thế giới.

Đoàn xe chở viện trợ nhân đạo của Nga từ Voronezh tiến về phía Rostov-on-Don ngày 14-8. 			Ảnh: AP
Đoàn xe chở viện trợ nhân đạo của Nga từ Voronezh tiến về phía Rostov-on-Don ngày 14-8. Ảnh: AP

Ngày 14-8, Tổng thống Putin đến thăm Crimea. Đây là lần thứ hai ông đến thăm bán đảo kể từ khi khu vực này được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 vừa qua. Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Điện Kremlin nhấn mạnh: “Chúng ta phải điềm tĩnh, bình đẳng và xây dựng đất nước hiệu quả, chứ không xung đột với thế giới bên ngoài”.

Ông Putin khẳng định Nga sẽ làm hết sức mình để ngăn chặn đổ máu ở Ukraine, nơi lực lượng chính phủ Kiev đang giao tranh với các chiến binh thân Nga tại khu vực phía đông. “Chúng tôi sẽ làm mọi việc để cuộc xung đột này sớm kết thúc, để máu không còn đổ ở Ukraine”, ông Putin nói. Tổng thống Nga còn nói rằng, một cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa quốc gia này với Mỹ và châu Âu không có nghĩa là Mátxcơva phá vỡ quan hệ với các đối tác. Reuters cho biết, Tổng thống Putin đã có cuộc họp với lãnh đạo Hội đồng An ninh Crimea, trong đó thảo luận các vấn đề bảo đảm an ninh cho bán đảo.

Cũng trong ngày 14-8, đoàn xe chở hàng viện trợ của Nga gồm khoảng 262 chiếc tiếp tục lộ trình hướng theo phía nam tới thành phố Luhansk, nơi lực lượng phiến quân đang kiểm soát. AP nhận định: Với đoàn xe chở hàng viện trợ tới miền nam Ukraine, Nga dường như không tuân theo thỏa thuận chuyển hàng tới một cửa khẩu do Chính phủ Ukraine kiểm soát ở khu vực Kharkiv - nơi Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) sẽ tiến hành kiểm tra. Thay vào đó, đoàn xe này có thể tiến vào Ukraine từ khu vực Luhansk - nơi phần lớn đường biên giới do lực lượng phiến quân kiểm soát.

Việc Nga đưa đoàn xe viện trợ sang Ukraine làm dấy lên sự hoài nghi từ phía Kiev và phương Tây. Kiev cho rằng, hoạt động viện trợ này nhằm che đậy một cuộc xâm lược, mặc dù Mátxcơva khẳng định đoàn xe chở lương thực như thực phẩm cho trẻ em, thịt hộp, cả túi ngủ di động, máy phát điện và hoàn toàn mang mục đích nhân đạo. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk vẫn gọi việc Nga đưa viện trợ vào nước ông là “một âm mưu”.

Xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine, giới phân tích đề cập mối quan hệ “giá băng” giữa Nga với phương Tây. Theo đó, các nhà phân tích cho rằng, sau hơn hai thập niên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang đưa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), do Mỹ dẫn đầu, quay lại mục đích ban đầu: bảo vệ các thành viên liên minh chống lại những gì mà họ cho là “mối đe dọa từ Nga”.

Ngày 4 và 5-9 tới, khi lãnh đạo của 28 thành viên NATO nhóm họp ở Wales (Vương quốc Anh), tương lai mối quan hệ giữa liên minh này với Nga sẽ là vấn đề được đặt ra trong chương trình nghị sự. Đồng thời, các câu hỏi về an ninh ở những nước như Georgia và Moldova cũng như Ukraine là mối quan tâm của cuộc họp thượng đỉnh sắp tới.

Điều mà Mỹ và NATO lo ngại là sau khi có được Crimea, Nga vẫn muốn can thiệp vào các công việc nội bộ của Ukraine, mặc dù Mátxcơva luôn bác bỏ điều này. “6 tháng diễn ra khủng hoảng Nga - Ukraine, chúng ta phải thống nhất các giải pháp để củng cố khả năng phản ứng nhanh chóng với bất kỳ mối đe dọa nào”, Thủ tướng Anh David Cameron viết như vậy trong thư gửi các nhà lãnh đạo mời tham dự hội nghị.

Reuters cho biết, đến lúc này, NATO vẫn khẳng định sẽ không dùng vũ lực để ủng hộ Ukraine, quốc gia vốn không phải là thành viên của liên minh. Tuy nhiên, NATO cảnh báo Nga khi Mátxcơva đang điều động 20.000 binh sĩ ở khu vực biên giới rằng, nước này đang can thiệp quân sự ở phía đông Ukraine bằng “vỏ bọc nhân đạo và hoạt động gìn giữ hòa bình” (!?). “Chúng tôi không xem xét các hoạt động quân sự”, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói với Reuters. Theo ông, nếu Nga can thiệp hơn nữa vào Ukraine, cộng đồng quốc tế sẽ “phản ứng kiên quyết” bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế mở rộng hơn, cứng rắn hơn và sẽ cô lập Mátxcơva hơn nữa.

Ngày 14-8, Thủ tướng Slovakia Robert Fico chỉ trích việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Nhà lãnh đạo Slovakia cho rằng, những biện pháp này sẽ chỉ đe dọa sự tăng trưởng kinh tế của chính liên minh gồm 28 thành viên. Theo ông Fico, Slovakia phải chuẩn bị sẵn sàng việc bị cắt nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.