.

Trở lại và nhìn lại

.

Những diễn biến gần đây ở khu vực Trung Đông, nhất là ở Iraq, khi mà lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã kiểm soát một vùng lãnh thổ lớn của Iraq và gây ra nạn diệt chủng tồi tệ nhất trong thập niên đầu thế kỷ XXI, đã làm cho nhân loại kinh hoàng và các nhà lãnh đạo thế giới không thể làm ngơ.

Một người biểu tình bày tỏ sự ủng hộ nhà báo James Foley và chống lại chính quyền Syria trong cuộc tuần hành tại Quảng trường Thời đại ở New York. Ảnh: Reuters
Một người biểu tình bày tỏ sự ủng hộ nhà báo James Foley và chống lại chính quyền Syria trong cuộc tuần hành tại Quảng trường Thời đại ở New York. Ảnh: Reuters

Ngày 15-8, LHQ họp khẩn cấp và thông qua nghị quyết nhằm ngăn chặn đà tiến của lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Nghị quyết của HĐBA-LHQ yêu cầu giải giới và giải thể ngay lập tức Nhà nước Hồi giáo, cũng như Mặt trận al-Nosra ở Syria và những tổ chức khác có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al Qaeda.

Có thể nói, đó là biện pháp cụ thể nhất và có tầm mức rộng nhất mà HĐBA đưa ra nhằm chặn đứng đà tiến như vũ bão của lực lượng thánh chiến Hồi giáo ở Iraq. Nghị quyết này nằm trong khuôn khổ Chương 7 của Hiến chương LHQ, tức cho phép sử dụng đến các biện pháp trừng phạt, thậm chí dùng vũ lực để nghị quyết được thực hiện.

Riêng đối với Mỹ, quốc gia đứng đầu cùng với các nước phương Tây khác trong việc phát động cuộc chiến tranh nhằm vào Iraq hơn 10 năm trước lật đổ chính quyền của Tổng Saddam Hussein với tội danh “tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt và dung túng cho các phần tử khủng bố” và đã rút quân về nước, nhưng trước những diễn biến đó đặt ra khá nhiều câu hỏi hóc búa?

Sau một thời gian khá dài cân nhắc có nên can thiệp quân sự trực tiếp để giải quyết khủng hoảng Iraq hay không, cuối cùng ngày 8-8, Tổng thống Mỹ ra lệnh cho không quân mở chiến dịch oanh kích ngăn chặn bước tiến của lực lượng phiến quân Hồi giáo về thành phố Erbil, thủ phủ vùng tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq. Mục tiêu của chiến dịch là bảo vệ lợi ích của Mỹ và cứu vớt cộng đồng thiểu số Yazidi và những người theo Thiên chúa giáo đang bị phiến quân của Nhà nước Hồi giáo đe dọa tàn sát.

Như vậy, quyết định của ông Obama buộc phải mở lại trang sử can thiệp quân sự tại Iraq mà chính ông đã muốn khép lại đang gây không ít hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch không kích cũng như khả năng quân Mỹ trở lại chiến trường Iraq.

Dư luận còn nhớ, năm 2011, khi ra lệnh rút toàn bộ quân đội khỏi Iraq, Tổng thống Obama tự hào là người đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh hao người tốn của mà nước Mỹ bị sa lầy trong suốt gần 9 năm. Để lý giải cho quyết định của mình, Tổng thống Obama đưa ra viễn ảnh của một cuộc “diệt chủng” tại Iraq và rằng quyết định mở chiến dịch quân sự tại Iraq lần này là để cứu giúp hàng chục ngàn người Iraq theo Thiên Chúa giáo và người Yazidi đang bị phiến quân IS truy đuổi giết hại.

Tổng thống Obama với cương vị Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, khẳng định sẽ không để “Hoa Kỳ bị lôi vào một cuộc chiến tranh mới tại Iraq”. Nhưng ngay sau ngày đầu tiến hành liên tiếp ba đợt không kích, không ai có thể nói trước được quy mô và thời hạn của chiến dịch can thiệp quân sự này sẽ như thế nào. Tổng thống Obama khẳng định chiến dịch quân sự sẽ còn kéo dài chừng nào còn thấy “cần thiết”,  tuy ông vẫn quả quyết sẽ không đưa quân tham chiến trên bộ.

Đó là vấn đề của Iraq, nhưng thực ra việc Nhà nước Hồi giáo đang muốn hình thành trên chuỗi dài của các nước trong khu vực, trong đó mục tiêu đầu tiên là ở hai quốc gia Iraq và Syria. Bây giờ các nhà quan sát mới cận cảnh rõ hơn những gì đang diễn ra cuộc nội chiến kéo dài mấy năm qua tại Syria, làm cho hàng chục triệu người phải đi tị nạn, hàng vạn người dân bị thiệt mạng bởi cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng nổi dậy với quân chính phủ của chính quyền do Tổng thống Bachar al Assad đứng đầu. Thậm chí có thời điểm Mỹ và phương Tây chuẩn bị phát động chiến tranh nhằm vào Syria vì đã “gây ra thảm họa nhân đạo”?!

Chính Tổng thống Bachar al Assad đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng lực lượng Hồi giáo cực đoan là nhân tố chính làm cho quốc gia này mất ổn định và gây ra cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Vì trên thực tế IS đã chiêu binh từ nhiều nước, kể cả phương Tây, thâm nhập tấn công quân đội Syria, kiểm soát một số vùng đất của nước này và đang mở rộng hoạt động trên nhiều vùng biên giới các quốc gia lân cận.

Đặc biệt, trong một đoạn video với hình ảnh kinh hoàng được tung lên mạng Internet vụ phóng viên Mỹ James Foley bị IS bắt năm 2012 tại Syria và bị hành quyết tại nước này gây nên làn sóng công phẫn trên toàn  thế giới, đã làm cho các nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây càng thấy mức độ nguy hiểm của IS như thế nào?

Do vậy, sau khi chính quyền của Tổng thống Bachar al Assad hợp tác trong việc giải giáp vũ khí hóa học, Mỹ và phương Tây đã có cái nhìn khác hơn về cuộc nội chiến ở Syria hiện nay.

Mới đây nhất, ngày 18-8, giới chức Mỹ cho biết, Tổng thống Barack Obama sẽ chủ trì một cuộc họp đặc biệt của HĐBA LHQ vào đầu tháng 9 tới để bàn về việc đối phó với sự gia tăng các chiến binh nước ngoài tại Iraq và Syria.

Đây sẽ là lần thứ 2 ông Obama chủ trì một cuộc họp của HĐBA LHQ, sau cuộc họp về không phổ biến vũ khí hạt nhân hồi năm 2009.

Giới chức Mỹ ước tính có khoảng 12.000 chiến binh nước ngoài đã gia nhập hàng ngũ phiến quân tại Iraq và Syria, lực lượng đang kiểm soát những phần lãnh thổ rộng lớn và bị cáo buộc phạm các tội ác tàn bạo.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo rằng IS vẫn là một mối đe dọa với Iraq và cả khu vực rộng lớn xung quanh, và tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược dài hạn để đảo chiều cuộc chiến chống ISIL (Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant) bằng việc hỗ trợ tân chính phủ Iraq và phối hợp với các đối tác chủ chốt trong khu vực”. Ông Obama nói thêm rằng “mục tiêu của chúng tôi là có những đối tác hiệu quả trên thực địa”, đồng thời cam kết một chiến lược “chống khủng bố” chung với Iraq và các đồng minh của Mỹ.

Bởi vậy, sự trở lại của Mỹ ở “vũng lầy” Iraq và nhìn lại cuộc nội chiến ở Syria để giải quyết một vấn đề rộng lớn hơn, quy mô hơn và có thể dài hơi hơn, đó là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan gắn với Al-Qaeda , đang gây ra làn sóng đe dọa trên khắp các lục địa, nhất là khu vực Trung Đông, để có cách hành xử đúng đắn và bình đẳng trong các quan hệ quốc tế, không để lặp lại những bài học cay đắng.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.