.

Tướng đảo chính Thái Lan là ai?

.

Tư lệnh tối cao của quân đội Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, lẽ ra sẽ phải về hưu kể từ tháng Chín nhưng kể từ cuộc đảo chính đột ngột hôm 22-5, ông đã là người điều hành đất nước trên thực tế với tư cách là người đứng đầu nhóm tướng lĩnh đảo chính chính quyền dân cử của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Tướng Prayuth hứa hẹn sẽ đem lại hòa bình và ổn định cho Thái Lan
Tướng Prayuth hứa hẹn sẽ đem lại hòa bình và ổn định cho Thái Lan

Hôm 21-8, ông được Quốc hội bầu làm thủ tướng - một động thái mà nhiều người đã dự đoán trước.

Dưới sự điều hành của Tướng Prayuth, quân đội Thái đã tự tay lựa chọn các đại diện lập pháp và đã chọn đa phần là các tướng lĩnh quân đội và cảnh sát. Họ cũng đưa ra một bản Hiến pháp cho quân đội quyền lực áp đảo hồi tháng Bảy.

Những động thái này đã gây ra quan ngại rằng quân đội Thái đang muốn củng cố quyền kiểm soát đất nước trong khi họ xúc tiến tiến trình cải cách chính trị.

Tuy nhiên, Tướng Prayuth và các tướng lĩnh quân đội khác đã thanh minh rằng nhờ vào sự nắm quyền của quân đội mà Thái Lan đã ổn định trở lại sau nhiều tháng biểu tình và bạo loạn giữa hai phe ủng hộ và chống cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Đứng về phía nào?

Tướng Prayuth lên nắm quyền lãnh đạo quân đội hồi tháng 10 năm 2010 và được xem là một người bảo hoàng kiên định, từng ủng hộ phải có lập trường cứng rắn với phe ‘Áo đỏ’ vốn là thành trì của anh em nhà Shinawatra.

Sau khi lên nắm quân đội, Tướng Prayuth nói ông muốn quân đội đứng trung lập trong các tranh chấp chính trị nhưng một số hành động của ông đã đặt ra những câu hỏi về việc ông có can thiệp vào chính trị hay không.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết ông đã ‘can thiệp’ vào cuộc điều tra về các cuộc biểu tình dẫn đến chết người hồi năm 2010.

Tướng Prayuth được cho là người rất bảo hoàng
Tướng Prayuth được cho là người rất bảo hoàng

Hồi tháng Năm năm 2011, ông Jatuporn Promphan, một lãnh đạo phe Áo đỏ và một nghị sỹ đối lập hàng đầu, đã bị kết án tù sau khi bị buộc tội có lời bình luận bất kính với hoàng gia - một tội rất nặng ở Thái Lan.

Vụ việc của ông Jatuporn là do Tướng Prayuth đưa ra. Lúc đó, Tướng Prayuth nói rằng ông không có động cơ chính trị mà chỉ là ‘bảo vệ nền quân chủ’.

Tuy nhiên, một lần nữa người ta lại đặt câu hỏi hồi tháng 6 năm 2011 khi ông kêu gọi cử tri Thái bỏ phiếu cho ‘người tốt’ trong cuộc bầu cử hồi năm đó. Lời kêu gọi này được xem là cú tát vào mặt bà Yingluck và Đảng Pheu Thai của bà.

Tuy nhiên, đảng này vẫn giành chiến thắng áp đảo với đa số ghế tại Hạ viện và bà Yingluck lên làm thủ tướng.

Đảng Pheu Thai đã rất cố gắng xây dựng mối quan hệ với Tướng Prayuth và các tướng lĩnh cấp cao khác của quân đội Thái và khi bùng nổ các cuộc biểu tình hồi năm ngoái xung quanh Luật Ân xá mà đảng Pheu Thai đề xuất, ông đã giữ im lặng.

Tuy nhiên, khi các cuộc biểu tình kéo dài thì ông đề xuất thành lập ‘hội đồng nhân dân’ với các đại diện từ hai phía đối lập của nền chính trị Thái.

Nhiều tháng căng thẳng chính trị dường như đã buộc Tướng Prayuth phải đảo chính. Ông nói ông phải đảo chính trước ‘tình trạng bạo lực ở Bangkok và nhiều nơi khác trên đất nước khiến dân thường thiệt mạng và thiệt hại tài sản và tình trạng có thể này còn leo thang’.

BBC

;
.
.
.
.
.