.

UNHCR: Hơn 3 triệu người Syria tị nạn ra nước ngoài

.

ĐNĐT - Ngày 29-8, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cho biết, kể từ tháng 3-2011 tới nay, đã có hơn 3 triệu người Syria lánh nạn sang các quốc gia láng giềng vì nội chiến. Syria đang ở trong tình trạng khẩn cấp về nhân đạo lớn nhất trong thời đại ngày nay.

Liên Hiệp Quốc cho biết, số người Syria đi tị nạn có thể cao hơn con số 3 triệu người. Ảnh: UNHCR
Liên Hiệp Quốc cho biết, số người Syria đi tị nạn có thể cao hơn con số 3 triệu người. Ảnh: UNHCR

Theo UNHCR, ngoài số người tị nạn nói trên, hiện có tới 6,5 triệu người Syria, nghĩa là gần một nửa tổng số người dân Syria đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và sơ tán để cứu lấy mạng sống của mình.

Theo báo cáo của UNHCR, số người tị nạn tại Lebanon là 1.175.504 người; Thổ Nhĩ Kỳ: 832.508 người; Jordan: 613.252 người; Iraq: 215.369 người; Ai Cập: 139.090 người; Bắc Phi: 23.367 người.

Trong ba năm qua, đã có hơn 190.000 người thiệt mạng trong cuộc nội chiến Syria.

Các nhóm đối lập tại Syria đang chiến đấu chống lại các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad từ khi chính phủ của ông trấn áp các cuộc biểu tình chống lại chính phủ kể từ tháng 3-2011.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây, khi mà cái gọi là tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Vùng Cận đông (ISIS) hình thành và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn của Syria và Iraq.

UNHCR cho biết, cứ 8 người Syria, có 1 người bỏ chạy ra khỏi biên giới. Những gia đình tới các trại tị nạn ở các nước láng giềng hiện đã kiệt sức và hoang mang, trong đó một số đã ở cả năm trời hoặc hơn nữa sau khi họ chạy trốn từ làng mạc này sang làng mạc khác tại Syria.

Hành trình tị nạn của họ ngày càng gian khổ hơn khi nhiều người bị buộc phải trả tiền hối lộ cho các băng nhóm có vũ trang.

Cao ủy Nhân quyền LHQ về Người tị nạn, ông Antonio Guterres cho biết: “Cuộc khủng hoảng Syria đã trở thành một sự khẩn cấp nhân đạo lớn nhất của thời đại, tuy vậy, thế giới đã thất bại trong việc đáp ứng các nhu cầu của người tị nạn và các quốc gia đang thu nhận họ”.  

Sự đáp ứng đối với cuộc khủng hoảng Syria đã rất hào phóng, tuy nhiên, sự thực đắng cay là sự đáp ứng này còn quá thiếu thốn so với những gì cần thiết, ông Antonio cho biết.

Quang Hiển (theo BBC, Reuters)

;
.
.
.
.
.