ĐNĐT - Ngày 24-9, Ấn Độ đã thành công trong việc đưa một vệ tinh vào quỹ đạo Sao Hỏa và sự kiện này đã đưa Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ các nhà thám hiểm vũ trụ xuất sắc của thế giới.
Các nhà khoa học tại Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ vui mừng sau khi vệ tinh đã đi vào quỹ đạo Sao Hỏa tại Trung tâm Điều khiển, theo dõi và đo đạc Bangalore, Ấn Độ, ngày 24-9. Ảnh: AP |
Các nhà khoa học Ấn Độ đã vui mừng khi các động cơ của tàu vũ trụ hoàn thành 24 phút đốt nhiên liệu để điều khiển nó đi vào đúng quỹ đạo dự tính bay quanh hành tinh Đỏ.
Phát biểu nhân sự kiện này từ Tổ chức Vũ trụ và Nghiên cứu không gian Ấn Độ được truyền hình trực tiếp, Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi cho biết: “Chúng ta đã vượt ra khỏi các ranh giới của các công trình và sự sáng tạo của loài người. Chúng ta đã đưa tàu vũ trụ của mình vượt qua một chặng đường mà rất ít người biết tới. Xin chúc mừng các nhà khoa học và toàn thể đồng bào Ấn Độ về sự kiện lịch sử này”.
Các nhà khoa học mô tả giai đoạn cuối của 'Sứ mệnh Quỹ đạo Sao Hỏa' là quá hoàn hảo. Thành công này đánh dấu một cột mốc cho chương trình vũ trụ trong việc chứng tỏ rằng, Ấn Độ có thể thực hiện các sứ mệnh phức tạp và có vai trò như một bãi phóng vệ tinh thương mại, dẫn đường và nghiên cứu toàn cầu.
Vệ tinh nặng 1.350 kg sẽ bay vòng quanh hành tinh Đỏ trong 6 tháng, với 5 thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để thu thập các dữ liệu khoa học vốn sẽ tìm hiểu hệ thống thời tiết Sao Hỏa cũng như điều gì đã xảy ra với nước, vật chất từng tồn tại trên đó với số lượng lớn.
Vệ tinh trên cũng sẽ tìm kiếm khí metan của Sao Hỏa, một hóa chất quan trọng trong các quá trình sống trên Trái Đất có được từ các quá trình địa chất. Không thiết bị nào trên đó có thể gửi về đầy đủ dữ liệu để trả lời các câu hỏi này một cách dứt khoát. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các dữ liệu sẽ giúp họ hiểu hơn cách mà các hành tinh được hình thành, các điều kiện có thể tạo nên sự sống và còn nơi nào trong vũ trụ mà sự sống có thể tồn tại không.
Việc vươn tới được hành tinh thứ tư trong Hệ Mặt trời là một niềm vui lớn cho đất nước đang phát triển 1,2 tỉ dân mà đa số là người nghèo này. Đồng thời, Ấn Độ đã có được một hệ thống giáo dục khoa học và kỹ thuật mạnh mẽ vốn sản sinh ra hàng triệu lập trình viên, kỹ sư và bác sĩ, đưa nhiều người vào tầng lớp trung lưu.
Việc đưa được tàu vũ trụ vào quỹ đạo Sao Hỏa là một nhiệm vụ không dễ dàng. Hơn một nửa số lần thử của nhân loại, với 23 trong số 41 sứ mệnh đã thất bại. Lần gần nhất là thất bại của Nhật Bản, năm 1999.
Ấn Độ từng thực hiện hàng chục vụ phóng vệ tinh thành công, kể cả đưa vệ tinh Mặt trăng Chandrayaan-1, vệ tinh đã phát hiện bằng chứng quan trọng rằng có nước trên Mặt trăng vào năm 2008.
Quang Hiển (theo AP)