.

Đã có hơn 2.000 người tử vong do nhiễm virus Ebola

.

Ngày 5-9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số bệnh nhân thiệt mạng vì virus Ebola đã vượt quá 2.000, lên tới 2.097 người, trong số 3.944 trường hợp nhiễm bệnh.

Bà Marie-Paule Kieny (trái), Trợ lý Tổng giám đốc WHO phụ trách về Cải tiến hệ thống y tế và Phó Tổng Giám đốc WHO Anarfi Asamoa-Baah trước cuộc họp.
Bà Marie-Paule Kieny (trái), Trợ lý Tổng giám đốc WHO phụ trách về Cải tiến hệ thống y tế và Phó Tổng Giám đốc WHO Anarfi Asamoa-Baah trước cuộc họp.

Trong khi đó, theo Reuters, cùng ngày, Nigeria đã thông báo thêm 7 người thiệt mạng trong 23 trường hợp nhiễm bệnh, và Senegal cũng xác nhận thêm một trường hợp nhiễm bệnh. Nếu các thông báo mới này được WHO xác nhận, con số người thiệt mạng và nhiễm Ebola còn tiếp tục tăng.

Ngày 5-9, WHO cũng khẳng định các liệu pháp huyết thanh toàn phần, huyết thanh kháng virus và 2 loại vắcxin đang được thử nghiệm ở Mỹ cần được coi là giải pháp để ngăn chặn dịch Ebola.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Geneva của Thụy Sĩ sau hội nghị tham vấn các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO, bà Marie Paule Kieny cho biết hội nghị đã nhất trí rằng các liệu pháp máu toàn phần và huyết thanh kháng virus có thể được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola, đồng thời cần kiểm tra mọi nỗ lực thử nghiệm các giải pháp này để có thể sử dụng an toàn ở các nước mà dịch Ebola đang hoành hành.

Bà Kieny nêu tên 2 loại vắcxin nhiều triển vọng là ChAd-EBO và VSV-EBO, đồng thời cho biết thêm các nghiên cứu về độ an toàn của hai chế phẩm này đang được tiến hành ở Mỹ và sẽ sớm được tiến hành ở châu Âu và châu Phi.

Cũng theo bà Kieny, WHO sẽ làm việc với các thể chế hữu quan để đẩy nhanh việc phát triển và sử dụng an toàn các loại vắcxin này ở những nước bị tác động. Nếu kết quả khả quan, vắcxin sẽ được sử dụng ưu tiên cho các nhân viên y tế từ tháng 11/2014.

Tại hội nghị ngày 4-9 vừa qua ở Geveva, WHO đã tham vấn các chuyên gia hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực y tế (nghiên cứu và điều tra thử nghiệm lâm sàng, đạo đức, pháp lý, quy định, tài chính và thu thập dữ liệu) về khả năng sử dụng các vắcxin và liệu pháp điều trị chưa được thử nghiệm trên cơ thể người trong nỗ lực ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh Ebola. Hội nghị nhất trí sử dụng các liệu pháp máu toàn phần và huyết thanh kháng virus cần được coi là một vấn đề ưu tiên.

Các chuyên gia cũng thảo luận khả năng sử dụng các loại thuốc mới có kết quả thử nghiệm khả quan ở khỉ và một vài bệnh nhân nhiễm virus Ebola như kháng sinh đơn, thuốc dựa trên RNA và các phân tử kháng virus nhỏ; đồng thời xem xét khả năng sử dụng các loại thuốc hiện có đã được chấp thuận.

Cũng tại cuộc họp, WHO lưu ý nguồn cung tất cả các loại thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm rất hạn chế, không thể đủ để sử dụng trong vài tháng tới, nhưng sẽ được cải thiện nhanh chóng. Các đại biểu tham dự cảnh báo mọi sự can thiệp phải đảm bảo mục đích thử nghiệm lâm sàng, theo dõi và kiểm soát hiệu quả nhằm chặn đứng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

TTXVN

;
.
.
.
.
.