ĐNĐT - Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lớn ở Hong Kong rơi vào hỗn loạn từ cuối tuần qua, sau khi hàng chục ngàn người biểu tình đã tỏa xuống các tuyến phố chính và tràn về trụ sở chính quyền đặc khu.
Cảnh sát Hong Kong trấn áp người biểu tình. Ảnh: AP |
Cảnh sát đeo mặt nạ phòng khí đã sử dụng dùi cui, xịt hơi cay vào đám đông. Hàng chục người bị bắt giữ.
Một số người biểu tình củng cố vị trí của mình với các rào chắn kim loại. Những người khác mặc áo mưa và đeo kính bảo hộ tự chế để bảo vệ mình trước hơi cay và khí gas, theo AP.
"Chúng tôi sẽ đấu tranh cho đến khi kết thúc", Peter Poon, một người biểu tình, nói với Reuters. "Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc".
Tại sao họ lại biểu tình?
Sự hỗn loạn trên đường phố có thể được truy nguồn từ Vương quốc Anh, đất nước đã nắm quyền kiểm soát Hong Kong cho đến năm 1997 khi khu vực này được trao trả về Trung Quốc. Thời điểm Hong Kong trở về Đại lục, đã có một thỏa thuận rằng, Hong Kong, một ngày nào đó, sẽ được phép bầu lãnh đạo của mình. Và năm 2007, Bắc Kinh đã quyết định ngày hôm đó sẽ là vào năm 2017.
Tuy vậy, tháng trước, Bắc Kinh đã có những quyết định gây tranh cãi.
"Dân chúng sẽ được bỏ phiếu, nhưng Bắc Kinh sẽ kiểm soát quá trình đề cử", ông Richard Bush, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á tại Viện Brookings nói. Bắc Kinh đã không sẵn sàng thỏa hiệp, ông Bush nói, làm cho các cuộc biểu tình bộc phát và không thể tránh khỏi.
Một lý do khác dẫn đến các cuộc biểu tình, theo ông Bush, là sự bất bình đẳng thu nhập. Nhận thức của nhiều cư dân trẻ Hong Kong là những người từ Trung Quốc đại lục đang cạnh tranh công việc của họ, trong khi họ không đủ khả năng để mua nhà.
Những người biểu tình là ai?
Bush đã mô tả ba nhóm tham gia các cuộc biểu tình. Đầu tiên, đó là cánh sinh viên, những người đã thực hiện một cuộc biểu tình kéo dài một tuần mà đỉnh điểm là vào cuối tuần qua.
Các sinh viên đã chiếm không gian công cộng - và nhóm này không hề quan tâm đến ảnh hưởng với Bắc Kinh, mà mục tiêu của họ là việc mở rộng hệ thống bầu cử. "Nếu bạn nhận được chữ ký, bạn sẽ được phép nắm quyền" - là cách mà sinh viên Hong Kong suy luận.
Tiếp đó, phong trào "Chiếm Trung tâm" được tổ chức bởi hai giáo sư đại học và một bộ trưởng đã kêu gọi người biểu tình sử dụng chiến thuật Martin Luther King Jr, giống như bất tuân dân sự - phi bạo lực, ám chỉ sẵn sàng đối phó với Bắc Kinh.
Phe thứ ba bao gồm các doanh nhân, luật sư, chính trị gia và "nhà dân chủ ôn hòa", ông Bush nói. Họ đã xuất hiện tại cuộc biểu tình của các phe phái khác có tổ chức, và họ đã lập luận cho một hệ thống bầu cử mà sẽ được kiểm soát phần nào bởi Bắc Kinh, nhưng vẫn cạnh tranh. Tuy nhiên, "Trung Quốc từ chối xem xét cách tiếp cận đó", ông Bush nói.
Thông thường, các cuộc biểu tình ở Hong Kong đều được lên kế hoạch. Những người biểu tình sẽ phối hợp với chính quyền và với nhau. Nhưng cuộc biểu tình cuối tuần qua lại khác. "Đó là tất cả ra ngoài", ông Bush nói. Các sinh viên đã hành động, và vì vậy, phong trào "Chiếm Trung tâm" - dự kiến sẽ tiếp diễn vào thứ tư tới cũng sẽ tiếp diễn.
Năm 2017, chương trình bầu cử của Bắc Kinh vạch ra cho Hong Kong có hiệu lực, và nó cần sự hỗ trợ của hai phần ba cơ quan lập pháp của Hong Kong. Tuy nhiên, hệ lụy của các cuộc biểu tình có thể dẫn đến việc hệ thống bầu cử dân chủ cho Hong Kong khó được hiện thực hóa.
ĐNĐT (theo NBCnews)