.

Hàn Quốc để ngỏ đối thoại với Triều Tiên

.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nói rằng, cánh cửa đàm phán của nước này vẫn mở với CHDCND Triều Tiên trong kỳ họp Đại hội đồng LHQ sắp tới.

Tên lửa lớp Taepodong của CHDCND Triều Tiên tại một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng. Các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng làm nóng khu vực Đông Bắc Á.    Ảnh: AFP
Tên lửa lớp Taepodong của CHDCND Triều Tiên tại một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng. Các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng làm nóng khu vực Đông Bắc Á. Ảnh: AFP

Yonhap dẫn lời Tổng thống Park Geun-hye ngày 17-9 cho biết, Ngoại trưởng Hàn Quốc muốn gặp gỡ người đồng cấp CHDCND Triều Tiên xung quanh đề nghị của Seoul trong thời gian gần đây về việc tổ chức các cuộc đối thoại cấp cao với nước láng giềng phía Bắc. Ngoại trưởng CHDCND Triều Tiên Ri Su-yong sẽ tham dự cuộc họp Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ), mở ra hy vọng hai miền Triều Tiên sẽ đàm phán bên lề phiên họp. Trong 15 năm qua, ông Ri Su-yong là quan chức cấp cao nhất của Bình Nhưỡng tham dự cuộc họp này.

Tuy nhiên, Tổng thống Park Geun-hye nói rằng, Bình Nhưỡng phải thể hiện thiện chí trong việc tìm kiếm một cuộc đối thoại mang tính xây dựng nhằm kết thúc bế tắc trong quan hệ ngoại giao của bán đảo Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn của Reuters tại Nhà Xanh, bà Park Geun-hye gọi đây là cơ hội để Bình Nhưỡng đồng ý đề nghị của Seoul và việc hai Ngoại trưởng gặp gỡ sẽ là điều tốt lành để cải thiện quan hệ song phương.  

Tổng thống Park Geun-hye sẽ đến New York và phát biểu tại Đại hội đồng LHQ vào ngày 24-9. Reuters cho rằng, những nhận định nói trên của bà là dấu hiệu cho thấy thiện chí của Seoul mong muốn đàm phán với Bình Nhưỡng, mặc dù trong suốt 19 tháng nắm quyền, bà có quan điểm cứng rắn với quốc gia phía Bắc và với nhà lãnh đạo 31 tuổi Kim Jong-un.

Bà Park Geun-hye đã tiết lộ sáng kiến tham vọng nhằm đưa hai miền xích lại gần nhau hơn, trước hết là giải quyết các vấn đề nhân đạo, trong đó có việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau chiến tranh, sau là hỗ trợ CHDCND Triều Tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế cần thiết, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa hai miền. Nhiều người dân Hàn Quốc, nhất là thanh niên, ủng hộ ý tưởng thống nhất hai miền.

Sau một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vào năm 2000, hai quốc gia đã trải qua một thập niên với quan hệ được cải thiện, mở đường cho những trao đổi về thương mại và du lịch. Song thực tế, hai miền về mặt nguyên tắc vẫn duy trì tình trạng chiến tranh do không có hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.

Theo Tân Hoa xã, việc thống nhất hai miền Triều Tiên sẽ mang lại lợi ích về kinh tế cho các nước lân cận, bao gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và cả Mỹ.

CHDCND Triều Tiên hiện vẫn đe dọa thực hiện một vụ thử hạt nhân mới - vụ thử thứ tư, sau các vụ thử vào năm 2006, 2009 và 2013 gây nhiều quan ngại cho các nước trong khu vực Đông Bắc Á.

Lãnh đạo Triều Tiên có thể đến Trung Quốc

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có thể đến thăm Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ ngày ông nắm quyền. Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Qiu Guohong cho biết thông tin này vào ngày 17-9 tại một diễn đàn ở Seoul.

Đại sứ Qiu Guohong nói rằng, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên vẫn giữ quan hệ bình thường và có những chuyến thăm qua lại giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Trung Quốc là đồng minh thân thiết nhất và là nhà bảo trợ chính của CHDCND Triều Tiên.

Thực tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa đến thăm CHDCND Triều Tiên nhưng lại có chuyến thăm cấp nhà nước đến Hàn Quốc vào tháng 7 vừa qua. Bắc Kinh cũng đi đầu trong những nỗ lực ngoại giao nhằm kết thúc chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nhưng chưa thành công trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng ngừng thử tên lửa và hạt nhân.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.