Giáo hoàng Francis. Ảnh: AP |
Khi vị Giáo hoàng 77 tuổi chuẩn bị cho chuyến thăm 1 ngày sang Albania vào Chủ nhật tới, Đại sứ Iraq tại Tòa Thánh cảnh báo có những mối đe dọa rõ rệt nhằm cướp đi mạng sống của Giáo hoàng.
Giáo hoàng Francis cũng có thể sẽ gặp nguy hiểm trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11 tới. Các tay súng thánh chiến IS trong những tuần qua liên tục khoe khoang sẽ mở rộng Vương quốc Hồi giáo tới Rome, và rằng chúng sẽ cắm cờ đen thánh chiến lên nóc Nhà thờ Basilica trên quảng trường St. Peter.
“Những lời tuyên bố của lực lượng IS rất rõ ràng - chúng muốn giết Giáo hoàng. Những mối đe dọa nhằm vào Giáo hoàng là có thật”, Đại sứ Iraq Habeeb Al Sadr hôm qua nói với báo Ý La Nazione.
“Tôi tin rằng, chúng sẽ tìm cách giết hại Giáo hoàng vào một trong những chuyến thăm của ông ra nước ngoài, hay thậm chí tại Rome. Chúng là thành viên IS nhưng không phải người Ảrập mà là người Canada, người Mỹ, người Pháp, người Anh và cả người Ý. IS có thể sử dụng bất kỳ người nào trong số này để thực hiện một vụ tấn công khủng bố ở châu Âu”, ông Al Sadr nói.
Đại sứ Iraq nói rằng, Giáo hoàng trở thành mục tiêu của IS sau khi ông lên án tình trạng lạm dụng nhân quyền chống lại các tín đồ công giáo tại Syria và Iraq, cũng như việc ông ủng hộ Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực ngăn chặn IS. Tuy nhiên, Vatican bác bỏ cảnh báo, nói rằng họ chưa nhận được báo cáo đáng tin cậy nào về một mối đe dọa nhằm vào Giáo hoàng và Giáo hoàng sẽ không thay đổi lịch trình hằng ngày hay chuyến thăm tới Albania.
Trong chuyến thăm tới thủ đô Tirana của Albania vào Chủ nhật tới, Giáo hoàng Francis sẽ tổ chức lễ cầu nguyện lớn tại quảng trường chính của thành phố và đi lại trên chiếc xe Popemobile như thường lệ. Vatican cho biết, Giáo hoàng không muốn có “bất kỳ trở ngại nào” giữa ông và những người dân thường ông sẽ gặp. Sẽ không có thêm biện pháp an ninh nào được triển khai cho chuyến thăm tới Albania, cho dù trước đó đã có cảnh báo các tay súng cực đoan Albania trở về từ Syria hoặc Iraq có thể tấn công, báo Anh The Telegraph đưa tin.
Trong khi đó, Mỹ vừa thực hiện đợt không kích đầu tiên nhằm vào IS theo chiến lược mới được Washington vạch ra. Quân đội Mỹ hôm 15-9 cho biết, đợt tấn công đã phá hủy một căn cứ của IS tại vùng tây nam thủ đô Baghdad của Iraq, BBC đưa tin.
Vì không muốn triển khai lục quân tới Iraq, Washington đang cố gắng thuyết phục các nhóm vũ trang người Sunni và các bộ lạc Iraq chiến đấu với IS, giống như phong trào “Awakening” (Đánh thức) đã đẩy lùi al-Qaeda ra khỏi đất nước này 6 năm trước.
Kế hoạch này không dễ thực hiện vì nhiều người Sunni coi “Awakening” là một thất bại và sự phản bội. Tuy nhiên, giới chức Mỹ và Iraq cho biết sẽ không chỉ làm sống lại “Awakening” mà còn sẽ tập hợp các tay súng Sunni thành lực lượng vệ binh quốc gia, tức một lực lượng an ninh, nhằm làm phân tán quyền lực từ Baghdad, đáp ứng đòi hỏi của người Sunni rằng lực lượng an ninh của người Shi’ite phải chấm dứt đàn áp, Reuters đưa tin.