Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vừa công bố một đoạn băng ghi âm kêu gọi tấn công vào thường dân ở các nước liên minh với Mỹ. Đây là lời đe dọa mới nhất của tổ chức này đối với Washington và đồng minh.
Một chiến binh IS phát biểu trước máy quay trước khi hành quyết nhân viên cứu trợ người Anh David Haines. Ảnh: AFP |
AFP cho biết, trong một tuyên bố được đăng tải trên mạng ngày 22-9, người phát ngôn của IS, Abu Mohammed al-Adnani nhấn mạnh: “Nếu các anh em có thể giết chết một người Mỹ, người châu Âu, nhất là người Pháp, hoặc người Úc, người Canada - công dân những quốc gia tham gia liên minh chống IS, thì hãy nghe lời Thánh Allah và giết đi”. Tuyên bố này còn gửi thông điệp cảnh báo người Mỹ và châu Âu rằng, họ sẽ không cảm thấy an toàn, “kể cả trong phòng ngủ”. Thậm chí, người phát ngôn IS còn gọi đó là cái giá phải trả cho hành động ch ống lại lực lượng này. “Chúng tôi sẽ tấn công ở ngay chính quê nhà của các người”, Adnani nói.
Adnani cáo buộc các đồng minh của Mỹ đã kích động cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời đe dọa những cuộc không kích do Washington dẫn đầu nhằm vào các căn cứ của IS ở Iraq sẽ là chiến dịch cuối cùng của những nước này. Thực tế, việc IS công bố video chặt đầu các con tin người Mỹ và Anh đã gây chấn động dư luận thế giới. Câu hỏi đặt ra là bước tiếp theo của IS là gì, quốc gia nào là mục tiêu, con tin nào sẽ chịu chung số phận các con tin trước…
Jason MacDonald, người phát ngôn của Thủ tướng Canada Stephen Harper, lên án đoạn ghi âm nói trên và cam kết tiếp tục ủng hộ mọi nỗ lực của liên minh quốc tế nhằm đánh bại IS.
Mỹ và Pháp đang tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu của IS ở khắp Iraq, cũng như xây dựng liên minh quốc tế chống lại mối đe dọa của toàn cầu, vốn được ví là còn nghiêm trọng hơn cả Al-Qaeda. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cho phép mở các cuộc không kích nhằm vào các phiến quân Hồi giáo IS tại Syria nhưng không đồng ý phối hợp với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Giới chức Damascus cho rằng, động thái của Washington thiếu thiện chí và “xâm phạm chủ quyền Syria”.
Cuối tuần qua, Pháp cũng đưa máy bay đến Iraq để thực hiện các cuộc không kích, phá hủy một kho hàng của IS. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, hiện có hơn 50 quốc gia cam kết tham gia liên minh, trong đó có Ai Cập và những nước Arab khác. Song, Pháp là nước đầu tiên tham gia cùng Mỹ thực hiện chiến dịch không kích IS ở Iraq.
Nhiều nước châu Âu lo ngại về nguy cơ bị IS tấn công. Các chính trị gia Anh và Canada đã kêu gọi tăng cường các biện pháp ngăn chặn công dân của hai nước này tham chiến cho phiến quân ở nước ngoài trở về nước. Thủ tướng Anh Camerron còn yêu cầu cảnh sát thu giữ hộ chiếu của những chiến binh bị tình nghi. Thủ tướng Úc Tony Abbott cảnh báo các công dân nước ông đang chiến đấu trong các nhóm cực đoan tại Trung Đông sẽ phải đối mặt với án tù dài hạn nếu trở về nước.
Cũng trong ngày 22-9, theo Reuters, IS kêu gọi các phiến quân trên bán đảo Sinai của Ai Cập tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh nước này và tiếp tục các vụ chặt đầu. Các nhà chức trách thừa nhận về sự phối hợp giữa IS và các phiến quân trên bán đảo Sinai, nhưng nói rằng hiện chưa có tay súng IS nào tại Ai Cập.
BÌNH YÊN