.

Khủng hoảng Ukraine: LHQ phản đối giải pháp quân sự

.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon khẳng định không có giải pháp quân sự nào đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Các chiến binh thân Nga tại Donetsk chuẩn bị vũ khí để giao tranh với lực lượng chính phủ Kiev.  						                   Ảnh: AP
Các chiến binh thân Nga tại Donetsk chuẩn bị vũ khí để giao tranh với lực lượng chính phủ Kiev. Ảnh: AP

Tuyên bố của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon được đưa ra vào ngày 2-9 sau khi chính phủ Ukraine cáo buộc Nga tiến hành “cuộc chiến tranh lớn”. AFP dẫn lời ông Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Ukraine, đồng thời mong muốn tránh “tình trạng hỗn loạn và nguy hiểm”. “Tôi biết Liên minh châu Âu, Mỹ và hầu hết các nước phương Tây đang thảo luận với nhau về giải pháp đối phó với vấn đề này”, ông Ban Ki-moon nói. Song, theo ông, điều quan trọng là không có giải pháp quân sự, mà chỉ nên có “đối thoại chính trị cho một giải pháp chính trị”. “Đó là cách bền vững hơn”, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh.

Một ngày trước đó, các cuộc đàm phán do châu Âu làm trung gian đã diễn ra tại thủ đô Minsk của Belarus, với sự tham dự của chính phủ Ukraine, lực lượng ly khai và các đặc sứ Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valeriy Geletey cho rằng, “một cuộc chiến tranh lớn đang đến trước cửa, đây là cuộc chiến mà cả châu Âu chưa bao giờ thấy từ Thế chiến thứ hai”; đồng thời ông cảnh báo cuộc chiến sẽ lấy đi sinh mạng của hàng chục ngàn người.

Đàm phán tại Minsk không có tiến triển nào. Đến nay, Kiev và phương Tây vẫn cáo buộc Nga liên quan trực tiếp đến bất ổn ở đông Ukraine. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chỉ trích Nga “xâm lược công khai” nước ông. Tổng thống Đức Joachim Gauck thậm chí nói rằng, Nga đã thật sự ngừng quan hệ đối tác với châu Âu. Ông Gauck gọi Ukraine là “cuộc xung đột vũ trang mới” trong lòng châu lục già cỗi này. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích châu Âu phớt lờ việc chính quân đội Ukraine đã trực tiếp tấn công dân thường ở miền đông quốc gia này. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định sẽ không có bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mátxcơva vào Ukraine.

Theo các nhà quan sát, mọi sự chú ý dường như tập trung vào Hội nghị thượng đỉnh của NATO sẽ diễn ra ở Wales vào ngày 4-9 và 5-9. Hội nghị này được cho là quan trọng để thắt chặt liên minh trước “mối đe dọa từ Nga”. Tổng Thư ký NATO Fogh Rasmussen cho rằng, có một thực tế mà NATO phải đối mặt, đó là Nga xem liên minh quân sự này là kẻ thù. Ông Rasmussen tuyên bố các thành viên NATO sẽ thành lập một “lực lượng phản ứng nhanh” ở Đông Âu để đối phó với Nga. Lực lượng này gồm 4.000 binh sĩ, có thể di chuyển trong vòng 48 giờ sau khi được báo động, được đóng góp theo cơ chế luân phiên giữa 28 nước thành viên NATO.

Thực tế, Ukraine đang nhờ sự trợ giúp của NATO, Tổng thống Petro Poroshenko cũng sẽ đến xứ Wales và gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Reuters cho biết, trước việc NATO tăng cường sự hiện diện ở Đông Âu, ông Mikhail Popov, Phó Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga, nhận định khối liên minh quân sự này đang làm căng thẳng với Mátxcơva nghiêm trọng thêm. Theo đó, Nga sẽ thay đổi học thuyết quân sự của mình để ứng phó. Song, ông Popov không cho biết cụ thể những thay đổi trong học thuyết.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ngày 2-9, Ngoại trưởng Ý Federica Mogherini cho biết, các chính phủ Liên minh châu Âu (EU) sẽ quyết định các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Các đại sứ EU sẽ nhóm họp vào ngày 4-9 và 5-9; quyết định trừng phạt sẽ được đưa ra vào ngày 5-9. Ngoại trưởng Mogherini cũng gọi đây là “phản ứng mạnh mẽ nhất”.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.