Chiếc máy bay Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia mang số hiệu MH17 chở 298 người đã bị xuyên thủng bởi “nhiều vật thể được bắn với tốc độ cao”, rồi vỡ thành nhiều mảnh trên không trung.
Các nhà điều tra xem xét hiện trường máy bay rơi ở gần làng Rossipne, khu vực Donetsk của Ukraine. Ảnh: AP |
Sau thời gian điều tra, ngày 9-9, Ủy ban An toàn Hà Lan công bố báo cáo đầu tiên về vụ máy bay MH17 nghi ngờ bị bắn rơi trên bầu trời miền đông Ukraine. Báo cáo này hy vọng vén bức màn bí ẩn về một vụ thảm họa của ngành hàng không xảy ra vào ngày 17-7 vừa qua và gây nhiều tranh cãi, đồng thời làm dấy lên căng thẳng giữa Nga với phương Tây.
Theo đó, báo cáo không đề cập trực tiếp máy bay MH17 đã bị một tên lửa bắn rơi và không cho biết ai phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này. Song, báo cáo nêu rõ: “Chuyến bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia vỡ trên không có thể là hệ quả của hư hại cấu trúc, do số lượng lớn vật thể mang năng lượng lớn đã xâm nhập vào chiếc máy bay từ bên ngoài”. Đồng thời, các nhà điều tra xác định không có dấu hiệu về kỹ thuật hay do lỗi từ phía phi hành đoàn. Hộp đen chứa dữ liệu không ghi nhận tín hiệu cảnh báo an toàn. Trước khi tín hiệu máy bay biến mất khỏi màn hình radar, các phi công không phát tín hiệu khẩn cấp nào tới đài kiểm soát không lưu Ukraine.
Hàng loạt bức ảnh chụp những mảnh vỡ của máy bay cũng cho thấy có dấu vết đạn bắn. AP cho rằng, kết quả điều tra này phù hợp với giả thuyết chiếc MH17 chở 298 hành khách và phi hành đoàn đã bị tên lửa đất đối không bắn rơi.
Là quốc gia có đến 193 công dân thiệt mạng trong vụ MH17, Ủy ban An toàn Hà Lan dẫn đầu cuộc điều tra quốc tế để tìm ra sự thật. Song, theo các nhà chức trách, trong vòng một năm mới có được báo cáo đầy đủ, tức báo cáo sẽ được công bố chính thức vào năm 2015. Chủ tịch Ủy ban An toàn Hà Lan Tjibbe Joustra nói rằng, kết quả ban đầu chỉ hướng đến việc xác định nguyên nhân bên ngoài. “Cần có thêm nghiên cứu để xác định nguyên nhân chính xác hơn”, ông Tjibbe Joustra nói. Song, theo giới phân tích, kết luận ban đầu lần này rất quan trọng, trong lúc các cuộc điều tra hình sự riêng rẽ vẫn đang được tiến hành ở Hà Lan.
Sau khi xảy ra vụ MH17, Ukraine và các đồng minh phương Tây, trong đó có Mỹ, cho rằng lực lượng ly khai được sự hậu thuẫn của Nga đã dùng tên lửa BUK bắn rơi máy bay. Đây là hệ thống tên lửa cấp tiến có thể bắn hạ một máy bay chở khách đang bay ở độ cao. Hơn nữa, thời điểm đó đang xảy ra giao tranh giữa quân ly khai với lực lượng chính phủ Ukraine. Các nhân chứng ở đông Ukraine cũng cung cấp thông tin rằng, họ thấy sự hiện diện của tên lửa BUK ở khu vực này chỉ vài giờ trước khi chiếc MH17 bị bắn rơi.
Tuy nhiên, lực lượng ly khai ở đông Ukraine bác bỏ cáo buộc nói trên. Nga cũng khẳng định không cung cấp vũ khí cho phiến quân nổi dậy và cũng không có bất kỳ sự liên quan nào đến vụ MH17.
Ngày 9-9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán về tình hình ở đông Ukraine sẽ sớm được khởi động giữa chính phủ Kiev với lực lượng thân Mátxcơva. Trong lúc này, thỏa thuận ngừng bắn tại đông Ukraine - một phần trong kế hoạch hòa bình hướng đến kết thúc cuộc xung đột kéo dài 5 tháng qua - đang bị đe dọa. Thỏa thuận này được ký kết tại thủ đô Minsk của Belarus vào cuối tuần qua. Theo ông Lavrov, Nga đang quan ngại khi có báo cáo cho rằng, lực lượng Ukraine đang tập trung vũ khí hạng nặng ở gần Debaltseve, cách vùng chiến sự Donetsk 70km về phía đông bắc. |
THIÊN BÌNH