.

Mỹ công khai ủng hộ Hồng Kông, chọc giận Bắc Kinh

.

Mỹ ủng hộ cuộc bỏ phiếu phổ thông ở Hồng Kông, hành động được cho là sẽ chọc giận Bắc Kinh sau khi Trung Quốc từ chối cho người dân ở đặc khu này có quyền biểu quyết đầy đủ.

Nhiều người Hồng Kông đang sống tại New York-Mỹ đã kêu gọi người Trung Quốc sống ở nước ngoài tham gia phản đối những quy định mới của Bắc Kinh áp đặt lên cuộc bầu cử Hồng Kông. Ảnh: Reuters
Nhiều người Hồng Kông đang sống tại New York-Mỹ đã kêu gọi người Trung Quốc sống ở nước ngoài tham gia phản đối những quy định mới của Bắc Kinh áp đặt lên cuộc bầu cử Hồng Kông. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki hôm 2-9 cho biết: “Mỹ ủng hộ cuộc bỏ phiếu phổ thông tại Hồng Kông phù hợp với hiến pháp và nguyện vọng của người dân ở đặc khu này. Chúng tôi tin rằng một xã hội mở như Hồng Kông với quyền dân chủ cao nhất có thể được chi phối theo quy tắc pháp luật là cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng”.

Nữ phát ngôn này còn nói thêm tính hợp pháp của nhà lãnh đạo Hồng Kông trong tương lai sẽ được tăng cường đáng kể nếu việc lựa chọn thông qua cuộc bỏ phiếu phổ thông- mục đích chính của Hiến pháp Hồng Kông.

Trong khi đó, nhiều người Hồng Kông đang sống tại New York-Mỹ đã kêu gọi người Trung Quốc sống ở nước ngoài tham gia cùng họ trong việc phản đối những quy định mới của Bắc Kinh áp đặt lên cuộc bầu cử Hồng Kông.

Dù vậy, các nhà hoat động ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông hôm 2-9 đã thừa nhận thất bại thậm chí ngay cả khi họ cho rằng các cuộc biểu tình phản đối vẫn tiếp tục diễn ra. Chan Kin-Man, một người tổ chức phong trào “Chiếm trung tâm”, chia sẻ: “Chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng hành động của chúng ta trong thời điểm này sẽ không thể thay đổi được quyết định của Bắc Kinh”.

Trước đó, giới chức trách Trung Quốc đã cáo buộc các nghị sĩ Anh can thiệp vào nội bộ của Hồng Kông. Ủy ban Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc phía Anh đã thực hiện “một hành động vô cùng không phù hợp là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng tuyên bố rằng “sẽ không cho phép can thiệp, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, từ Vương quốc Anh hoặc bất kỳ lực lượng bên ngoài nào khác”.

Bất chấp lời cảnh báo từ Trung Quốc, Richard Ottaway, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại quốc hội Anh, cho biết quốc hội nước này vẫn bác bỏ lời kêu gọi hủy bỏ cuộc điều tra về tình hình ở Hồng Kông của Bắc Kinh. Đồng thời, người này cũng cảnh báo những cải cách mà Trung Quốc đặt ra có thể vi phạm thỏa thuận năm 1984 về chủ quyền Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh. Ông Ottaway nói: “Chúng tôi sẽ không dừng cuộc điều tra. Chúng tôi đã có cuộc họp vào trưa hôm qua và đã quyết định mọi thứ vẫn được thực hiện”.

NLĐ

;
.
.
.
.
.