.

Mỹ quyết tâm chống IS

.

Chuyến công cán Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và sự hiện diện bất ngờ của ông tại Iraq là những minh chứng cho thấy Washington quyết tâm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) bất ngờ đến Iraq, bày tỏ sự ủng hộ của Washington đối với chính phủ Baghdad.  			                 Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) bất ngờ đến Iraq, bày tỏ sự ủng hộ của Washington đối với chính phủ Baghdad. Ảnh: AP

Ngoại trưởng John Kerry đến thủ đô Baghdad vào ngày 10-9. Chặng dừng chân thứ hai này (sau khi đến Jordan) là một phần trong chuyến công cán Trung Đông của ông trong việc xây dựng “sự ủng hộ về quân sự, chính trị và tài chính” để đánh bại các chiến binh IS đang hoành hành tại Iraq và Syria. IS đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên toàn thế giới với việc hành quyết dã man hai nhà báo Mỹ.

AP cho biết, Ngoại trưởng Kerry gặp gỡ Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi trong lúc chính phủ mới của nhà lãnh đạo này phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hàn gắn các sắc tộc người Hồi giáo Sunni, người Kurd, người Shiite; đồng thời giải quyết sự bất đồng giữa Baghdad với chính quyền khu vực người Kurd tự trị ở phía bắc đất nước. Không như người tiền nhiệm Nouri al-Maliki, ông Abadi được sự ủng hộ của hầu hết các nhóm chính trị chủ chốt ở Iraq. Không những thế, ông còn có sự hậu thuẫn của Mỹ và Iran.

Các nhà phân tích cho rằng, sự hiện diện của Ngoại trưởng Kerry tại Baghdad khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Barack Obama đối với Iraq sau gần 3 năm Mỹ rút các binh sĩ về nước. Song, đây cũng là thông điệp gửi đến tân Thủ tướng Abadi, một người Hồi giáo Sunni rằng, Mỹ đang xem ông sẽ trao thêm quyền lực cho người Sunni như thế nào. Người tiền nhiệm của ông Abadi trong nhiều năm nắm quyền đã “đóng cửa” với người Sunni, hình thành sự phân biệt đối xử giữa các sắc tộc, tạo ra làn sóng bất bình và dẫn đến tình trạng bất ổn chính trị kéo dài.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, các cuộc gặp gỡ của ông Kerry với các nhà lãnh đạo Iraq tập trung vào vấn đề: Mỹ gia tăng sự ủng hộ chính phủ mới của Iraq như thế nào trong nỗ lực chung chống IS và các mối đe dọa đối với quốc gia vùng Vịnh này, khu vực cũng như thế giới.

Phát biểu trong cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Mỹ, Thủ tướng Abadi nói rằng, vai trò của chính phủ ông là bảo vệ đất nước, nhưng cộng đồng quốc tế có trách nhiệm bảo vệ Iraq và bảo vệ toàn khu vực. “Những gì xảy ra ở Syria đang tràn qua Iraq. Chúng tôi không thể vượt qua biên giới đó, đó là biên giới quốc tế. Nhưng cộng đồng quốc tế, LHQ và Mỹ có vai trò trong việc phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn mối đe dọa này”, ông Abadi nói. Ông Peter Neumann, chuyên gia nghiên cứu tình trạng cực đoan hóa tại Đại học Kings (London, Anh), ước tính có hơn 12.000 người nước ngoài từ 74 quốc gia, trong đó có khoảng 100 người Mỹ, đến Syria để tham gia các nhóm phiến quân Sunni, trong đó có IS.

Trong một tháng qua, Mỹ đã tiến hành khoảng 150 cuộc không kích nhằm vào IS ở Iraq. Sứ mệnh này được thực hiện theo đề nghị của chính phủ Iraq nhưng không có sự phê chuẩn chính thức nào của Quốc hội Mỹ. Chưa rõ Tổng thống Obama có ban bố hành động quân sự tương tự ở Syria hay không. Song, các báo Mỹ cho hay, ông chủ Nhà Trắng sẵn sàng mở rộng chiến dịch không kích đến Syria.

Dự kiến tối 10-9 (sáng 11-9, giờ Việt Nam), Tổng thống Obama có bài phát biểu về kế hoạch đối phó với IS. Theo đó, ông sẽ nhấn mạnh về “liên minh quốc tế” với sự hỗ trợ của các nước Arab trong khu vực như: Saudi Arabia, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ. Việc thành lập liên minh chống IS cũng sẽ được tiếp tục bàn thảo bên lề kỳ họp thường niên Đại hội đồng LHQ vào cuối tháng 9 tại New York.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.