Lần đầu tiên Mỹ tiến hành không kích ở Iraq theo kế hoạch mới nhằm hỗ trợ lực lượng quân đội chính phủ dưới mặt đất chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Các máy bay của Mỹ rời căn cứ quân sự Al-Dhafra ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất để tiến hành không kích ở Iraq. Ảnh: AFP |
Các cuộc không kích của Mỹ diễn ra ngày 14 và 15-9 (giờ Washington) ở gần núi Sinjar và phía tây nam Baghdad. Đây là một phần của kế hoạch mở rộng các đợt không kích IS do Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố vào tuần trước, bao gồm các cuộc không kích ở Syria và các hoạt động mở rộng tại Iraq.
AFP cho biết, đầu tháng 8 vừa qua, Mỹ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào những vị trí của IS ở phía bắc Iraq và trong hơn một tháng qua, Washington đã thực hiện 162 cuộc không kích ở quốc gia Trung Đông này. Song, tuyên bố mới rằng chiến dịch tập trung vào lực lượng thánh chiến ở gần thủ đô Baghdad đánh dấu bước leo thang trong nhiệm vụ của Mỹ.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi tấn công ở tây nam Baghdad theo kế hoạch mở rộng các nỗ lực ngăn chặn IS ngoài việc bảo vệ con người và các sứ mệnh nhân đạo, theo bài phát biểu của Tổng thống Obama ngày 10-8 vừa qua”, AFP dẫn tuyên bố của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ nêu rõ.
Theo đó, các cuộc không kích đã phá hủy 6 xe quân sự của IS gần Sinjar và một vị trí được cho là thành trì của IS. Những đợt không kích của Mỹ trước đó chỉ đơn thuần nhằm bảo vệ các cơ sở và nhân viên của cường quốc này, đồng thời hỗ trợ những người tị nạn Iraq.
Ngày 16-9 (giờ Washington), tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama gặp gỡ Tướng về hưu John Allen, đặc phái viên vừa được bổ nhiệm chuyên đối phó với IS, và người cấp phó của ông này.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 16-9 bổ sung các vị trí then chốt trong nội các, trong đó có chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nội vụ. Theo đó, nghị sĩ người Sunni Jaber al-Jabberi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng và nghị sĩ người Shiite Riyad Ghareeb làm Bộ trưởng Nội vụ. |
Trong lúc đó, một chiến binh Hồi giáo ủng hộ IS cảnh báo sẽ tấn công nước Mỹ, nếu Washington và các đồng minh tiếp tục có hành động quân sự chống lại nhóm này. Tuyên bố được đăng tải trên trang web Minbar Jihadi Media chỉ trích “việc can thiệp vào vấn đề của các dân tộc khác” và nói rằng, điều này sẽ dẫn đến phản ứng tương xứng.
Đợt không kích của Mỹ diễn ra sau khi Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris cam kết ủng hộ Iraq trong cuộc chiến chống IS. Cũng theo AFP, trong tuyên bố chung tại Hội nghị quốc tế diễn ra ở Paris, đại diện của khoảng 30 quốc gia và các tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ, Nga và Trung Quốc cam kết ủng hộ Iraq với tất cả phương tiện cần thiết, bao gồm sự trợ giúp phù hợp về quân sự, theo đề nghị của giới chức Iraq, theo luật pháp quốc tế và không gây nguy hiểm về an ninh dân sự”.
Các nhà ngoại giao cũng nhấn mạnh IS là mối đe dọa không chỉ với Iraq mà với toàn thể cộng đồng quốc tế, đồng thời cần khẩn cấp loại bỏ lực lượng này khỏi Iraq.
Điều đáng nói là Iran vắng mặt tại hội nghị quốc tế nói trên. Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari chỉ trích việc Pháp không mời Iran tham dự và gọi đây là một quyết định đáng tiếc. “Iran là láng giềng của chúng tôi, nước đã hỗ trợ chúng tôi và nên có mặt tại hội nghị”, ông Jaafari nói. Cả Iran lẫn Syria đều có chung biên giới với Iraq nhưng quan hệ giữa hai nước này với Mỹ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bác bỏ việc hợp tác với Iran. Song, lãnh đạo tối cao của nước Cộng hòa Hồi giáo này, ông Ayatollah Ali Khamenei cho hay Mỹ đã đề nghị Tehran hợp tác thông qua đại sứ Mỹ tại Iraq.
Không những phía Iran và đại diện của Syria cũng không có mặt tại hội nghị ở Paris. Tổng thống Obama đã phê chuẩn các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu IS ở Syria. Giới chức Mỹ đồng thời cảnh báo Tổng thống Bashar al-Assad không nên can thiệp vào đợt không kích. Song, chưa rõ nhà lãnh đạo Syria sẽ phản ứng như thế nào nếu Washington đưa máy bay chiến đấu vào không phận quốc gia này. Ngay trong ngày 16-9, IS đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của quân đội Syria.
PHÚC NGUYÊN