.

Mỹ tiêu 7,5 triệu USD/ngày để tiêu diệt IS tại Syria

.

Tổng chi phí cho chiến dịch quân sự của Mỹ trong nỗ lực tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria có thể lên tới 10 tỷ USD mỗi năm.

Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến chiến dịch diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria có thể kéo dài hơn 3 năm. Theo tính toán của tạp chí Foreign Affairs, chi phí cho chiến dịch quân sự lần này có thể lên tới 10 tỷ USD mỗi năm.

Theo IB Times, mặc dù chính quyền Obama tuyên bố các đồng minh Arab gồm Arab Saudi, Jordan, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cùng các quốc gia khác trong liên minh chống IS sẽ cùng “kề vai sát cánh” với Mỹ, chi phí cho cuộc chiến mà Washington gánh vẫn ở mức cao.

Trong chiến dịch "đập tan sào huyệt" của IS tại Syria, quân đội Mỹ sử dụng máy bay không người lái Predator, máy bay ném bom B-1, chiến đấu cơ F-22, F-16, F-15 và F/A18, các tàu sân bay cùng nhiều loại khí tài khác.

Nhà Trắng từ chối bình luận về chi phí cho các cuộc không kích chống IS. Nhưng dựa trên các hoạt động ban đầu, các chuyên gia cho rằng, Mỹ sẽ phải chi 7,5 triệu USD mỗi ngày cho các hoạt động quân sự.

“Dường như chính quyền Mỹ thiếu một chiến lược rõ ràng nên họ đã không đưa ra một chi phí cố định cho chiến dịch”, Diem Salmon, chuyên gia phân tích ngân sách quốc phòng thuộc tổ chức Heritage Foundation tại Washington, nhận định.

Theo ông Salmon, Mỹ cần chi tiền cho phí bảo trì máy bay tham gia chiến dịch. Ngoài ra, việc Lầu Năm Góc đang triển khai các sư đoàn kỵ binh, gồm 500 binh sĩ ở mỗi đơn vị, cũng sẽ khiến chi phí quân sự tăng cao.

Trước đó, theo đề xuất của ông Obama, chiến dịch chống IS sẽ tiêu tốn 5 tỷ USD. Mỹ đã rót khoảng 2,5 tỷ USD trong các đợt không kích tại Kosovo và Siberia từ tháng 3 đến tháng 6/1999 hay hoạt động quân sự tại Libya trong 9 tháng (từ tháng 3-10/2011) đã tiêu tốn 1,1 tỷ USD của Mỹ.

Theo ước tính của IbTimes, chiến đấu cơ F-22 Raptor sẽ “ngốn” 68.000 USD cho mỗi giờ hoạt động. Trong khi đó, chi phí của tên lửa Sidewinder và các loại bom đường kính nhỏ (SDB) ở mức 600.000 USD và 250.000 USD mỗi loại.

Ngoài việc huy động chiến đấu cơ F-22 cùng nhiều loại máy bay phản lực khác, Mỹ cũng sử dụng 47 tên lửa Tomahawk được phóng từ hai tàu USS Arleigh Burke ở Biển Đỏ và USS Philippine Sea tại vịnh Ba Tư. Chi phí cho quy trình hoạt động của mỗi tên lửa là 1,59 triệu USD.

Bên cạnh đó, tàu sân bay USS George H.W. Bush đang đóng tại vịnh Ba Tư dùng để phóng “ong bắp cày” F-18 cũng tiêu tốn khoảng 24.400 USD mỗi giờ.

Cùng tham gia vào chiến dịch tiêu diệt IS là F-16 và máy bay không người lái Predator với chi phí hoạt động lần lượt là 22.514 và 3.697 USD/giờ bay. Máy bay ném bom B-1 cũng tham gia vào các cuộc không kích với chi phí khoảng 32.000 USD cho một giờ hoạt động.

Cường kích A-10 Thunderbolt dự kiến được triển khai trong chiến dịch lần này trong tháng 10. A-10 Thunderbolt là máy bay tầm thấp và được trang bị động cơ phản lực mạnh mẽ, có khả năng mang theo 13 tấn vũ khí. Chi phí cho mỗi giờ bay của "Thần sấm" A-10 ở vào khoảng 17.716 USD cho mỗi giờ bay.

Zing

;
.
.
.
.
.