Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng giữa Nga và phương Tây, NATO có kế hoạch lập 5 căn cứ quân sự tại Latvia, Lithuania, Estonia, Romania và Ba Lan, mỗi căn cứ gồm 600 quân đồn trú, báo Đức Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung đưa tin hôm 31-8
NATO sẽ lập 5 căn cứ quân sự ở Đông Âu. Ảnh: Itar-Tass |
Kế hoạch lập 5 căn cứ quân sự sẽ được bàn chi tiết tại hội nghị thượng đỉnh của NATO vào ngày 5 và 6-9. Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen trước đó nói rằng, liên minh này đang tìm cách tăng cường hiện diện hữu hình ở Đông Âu.
Theo ông Rasmussen, hội nghị thượng đỉnh tại Wales sẽ đưa ra quyết định nhằm tăng hiệu quả triển khai nhanh các lực lượng NATO để đáp trả những mối đe dọa mới. Ông nói rằng, những lực lượng mũi nhọn này sẽ cần cơ sở hạ tầng tương thích tại các quốc gia thành viên, và các đồng minh của NATO ở Đông Âu sẽ hài lòng với kế hoạch.
Nga đax lên tiếng coi sự tăng cường hiện diện của NATO trong khu vực sẽ đe doạ đến sự bình ổn của châu Âu - Đại Tây Dương và khẳng định sẽ đáp trả lại các hành động của NATO để bảo vệ an ninh quốc gia.
Sau sự kiện bán đảo Crimea được sáp nhập vào Liên bang Nga vào tháng 3/2014, NATO đã tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới Nga. Cụ thể, khối đồng minh đã một vài tàu chiến thay phiên nhau đến biển Đen và tăng cường tuần tra trên không phận của các quốc gia nằm trong vùng Baltic. Thêm vào đó, vào tháng 4, Washington cũng đã gửi 4 đội bay đến Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia để hỗ trợ thêm các đồng minh trong khi cuộc nội chiến ở miền đông Ukraine vẫn đnag diễn ra.
Số lượng tàu chiến của NATO xuất hiện trên Biển Đen đã từng lên tới 9 tàu vào tháng 7, mức kỉ lục trong nhiều thập kỉ qua. Những tàu này bao gồm tàu tuần dương USS Vella Gulf (CG-72), tàu phòng hộ Surcouf của Pháp, tàu hộ tống Macitis của Pháp, tàu do thám Elettra của Ý và nhiều tàu chiến khác.
Thêm vào đó, vào tháng 7, NATO đã tổ chức cuộc tập trận Breeze 2014 ở Bulgari với sự tham gia của đội tàu chống mìn số 2 thuộc NATO và huy động binh lính từ 4 quốc gia thành viên.
Nga đã nhiều lần tỏ ý quan ngại về việc NATO tăng cường sự hiện diện quân sự và đáp trả bằng việc tiến hành nhiều các bài tập trận bất ngờ, cùng lên kế hoạch hiện đại hoá vũ khí trong vài năm tới.
Hiện căng thẳng giữa Nga với Ukraine và phương Tây tiếp tục leo thang. Liên minh châu Âu (EU) vừa dọa áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Nga.
Sau cuộc họp kéo dài với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, các lãnh đạo EU hôm qua giao cho các quan chức của khối trong vòng một tuần phải lên danh sách biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nhiều ngành công nghiệp của Nga. Tuy nhiên, EU lo lắng về tác động của những biện pháp trừng phạt lên chính các nền kinh tế phát triển chậm chạp của EU cũng như khả năng tiếp cận của họ với nguồn cung cấp năng lượng của Nga.
Ủy ban châu Âu kêu gọi Nga “ngay lập tức rút thiết bị, lực lượng quân sự ra khỏi Ukraine” và thúc giục một thỏa thuận ngừng bắn. Thủ tướng Đức Angela Merkel, lãnh đạo có tiếng nói mạnh nhất trong khối, nói rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ sẵn sàng trong vòng một tuần và Tổng thống Nga Vladimir Putin cần hành động để tránh điều đó.
“Quyết định về các biện pháp trừng phạt mới sẽ được đưa ra nếu tình hình hiện nay vẫn thế hoặc xấu đi”, Reuters dẫn lời bà Merkel. Thủ tướng Đức nói rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm vào bất kỳ ngành kinh doanh nào của Nga.
Nhưng khi được hỏi về thời hạn cho hành động của EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói: “Còn tùy. Vẫn chưa có tiêu chí chính xác, nhưng tôi có thể bảo đảm rằng, mọi người đều đồng ý chúng ta cần hành động nhanh hơn”.
Theo TP/ANTĐ