.

NATO tìm cách chống Nga

.

Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong hai ngày 4 và 5-9 tại xứ Wales (Vương quốc Anh) ngay sau khi Nga công bố kế hoạch 7 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Reuters cho biết, Hội nghị thượng đỉnh ở Wales là dịp để các nhà lãnh đạo NATO củng cố sự ủng hộ đối với Ukraine và thúc đẩy việc phòng vệ ở phía đông quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ.

Lực lượng thân Nga tại Starobesheve, phía đông nam Donetsk của Ukraine.         Ảnh: AFP
Lực lượng thân Nga tại Starobesheve, phía đông nam Donetsk của Ukraine. Ảnh: AFP

Ukraine muốn có sự ủng hộ của NATO

Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng áp lực sẽ gia tăng đối với Nga nếu nước này không ngừng hành động quân sự ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Anh gọi động thái của Nga là “không thể chấp nhận được”. Phát biểu với Đài truyền hình BBC, ông Cameron nhấn mạnh điều này, hàm ý rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tác động đến nền kinh tế Nga.

Trong lúc đó, đến xứ Wales, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mang theo thông điệp mong muốn xích lại gần NATO và quay lưng với Nga, dù Điện Kremlin kiên quyết phản đối việc Kiev gia nhập NATO. Ông Poroshenko gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ý ngay trước khi bắt đầu hội nghị.

Mong muốn của ông Poroshenko là tìm kiếm sự hỗ trợ vũ khí, huấn luyện và tình báo cho lực lượng Ukraine cũng như sự hậu thuẫn về chính trị để chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin. Song, các cuộc thương thảo của vị Tổng thống đến từ Kiev về việc nước ông gia nhập NATO sẽ không dễ dàng nhận được sự đồng thuận bởi những bất đồng từ chính nội bộ liên minh này.

Nga cảnh báo Mỹ

Theo Reuters, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phản đối việc Ukraine trở thành thành viên của NATO, đồng thời cảnh báo Mỹ không nên áp đặt ảnh hưởng lên quốc gia từng thuộc Liên Xô. Nga nhiều lần mô tả việc Ukraine gia nhập NATO sẽ là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mátxcơva. “Một số đối tác phương Tây, điển hình là Mỹ - nước có tầm ảnh hưởng lớn nhất, muốn NATO chiến thắng và muốn tình huống mà Mỹ có thể kiểm soát tất cả”, ông Lavrov nói.

Chưa rõ NATO có ủng hộ kế hoạch hòa bình gồm 7 điểm mà Tổng thống Putin đưa ra hay không nhưng Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định “Nga đang tấn công Ukraine”, đồng thời gọi đây là “sự thay đổi môi trường an ninh đáng kể” mà khối này phải đối mặt. Ông Rasmussen gay gắt rằng, việc Nga can thiệp vào Ukraine là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Lạnh.

Giới quan sát cho rằng, sau hơn một thập niên NATO thực hiện các hoạt động chiến đấu ở Afghanistan, 28 thành viên của liên minh do Mỹ dẫn đầu đang tập trung nhiệm vụ then chốt là bảo vệ lãnh thổ của mỗi nước. Các thành viên Đông Âu của NATO, trong đó có Ba Lan, kêu gọi liên minh quân sự triển khai hàng ngàn binh sĩ ở đất nước này để ngăn chặn khả năng bị Nga tấn công. Tuy nhiên, NATO không đồng ý đề xuất của Ba Lan, một phần vì sợ tốn kém, một phần vì không muốn phá vỡ thỏa thuận năm 1997 với Nga, trong đó NATO cam kết không bố trí vũ khí hạt nhân, cũng không đưa lực lượng lớn tham chiến ở Đông Âu.

Tại Wales, ông Anders Fogh Rasmussen khẳng định NATO không có ý định phá vỡ thỏa thuận nói trên, Nga và liên minh quân sự được thành lập vào năm 1949 này không xem nhau là đối địch. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo NATO thống nhất đầu tư trang thiết bị, nhiên liệu và đạn dược ở các nước Đông Âu để sẵn sàng tiếp nhận lực lượng phản ứng nhanh của khối này trong trường hợp cần thiết.

Song, một số nhà ngoại giao NATO lập luận rằng, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea thì cũng đồng nghĩa với việc Mátxcơva đã phá vỡ thỏa thuận năm 1997.

Kế hoạch 7 điểm được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thống nhất trong cuộc điện đàm tối 3-9. Theo đó, kêu gọi ngừng các cuộc tấn công từ phía quân đội Ukraine cũng như lực lượng dân quân ở Donetsk và Lugansk; rút các đơn vị vũ trang Ukraine ra xa các vùng này nhằm ngăn chặn khả năng pháo kích vào các khu dân cư; thực hiện kiểm soát quốc tế hiệu quả và khách quan đối với lệnh ngừng bắn, giám sát tình hình sau ngừng bắn; loại bỏ hành động không kích chống lại dân thường; trao đổi tất cả con tin một cách vô điều kiện; mở các hành lang nhân đạo cho người tị nạn, đưa hàng cứu trợ nhân đạo đến Donetsk và Lugansk; điều các đội sửa chữa đến khôi phục hạ tầng ở những khu vực giao tranh.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk bác bỏ kế hoạch hòa bình của Nga và cho rằng, đây là nỗ lực của Mátxcơva nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.