.

Nhật Bản và Ấn Độ tăng cường quan hệ chiến lược

.

ĐNĐT - Ngày 1-9, Nhật Bản và Ấn Độ đã đồng ý đẩy mạnh quan hệ chiến lược khi hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba châu Á đều hướng mối lo ngại vào sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ, Modi tại Nhà khách chính phủ ở cố đô Kyoto, phía tây Nhật Bản, ngày 30-8-2014. Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ, Modi tại Nhà khách chính phủ ở cố đô Kyoto, phía tây Nhật Bản, ngày 30-8. Ảnh: AFP

Trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp gỡ tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Modi cho biết: “Hai thủ tướng tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ quốc phòng giữa Nhật Bản và Ấn Độ trong đối tác chiến lược của mình và quyết định nâng cấp, đẩy mạnh các mối quan hệ này”.

Hai bên cũng đã đồng ý tiếp tục việc hợp tác quốc phòng và an ninh sâu rộng, kể cả an ninh hàng hải. Nhật Bản và Ấn Độ đồng ý sẽ tiến hành tập trận chung giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Hải quân Ấn Độ một cách thường xuyên hơn so với hiện nay. Ngoài ra, hai bên sẽ đàm phán về việc Ấn Độ mua các máy bay đổ bộ US-2 do Nhật sản xuất để trang bị cho lực lượng hải quân của Ấn Độ.

Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe phát biểu rằng: “Liên quan tới các vấn đề kinh tế, chúng tôi đã đồng ý thúc đẩy mục tiêu gia tăng mạnh mẽ việc đầu tư của Nhật Bản vào Ấn Độ”.

Theo đó, hai bên đồng ý rằng, đầu tư trực tiếp của Nhật vào Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới. Tổng nguồn vốn của tư nhân và nhà nước từ Nhật Bản sẽ đạt 33,5 tỉ USD; đồng thời, số công ty Nhật đầu tư tại Ấn Độ cũng sẽ tăng gấp đôi.

Thủ tướng Modi cho rằng, thế kỷ 21 là của châu Á, nhưng lộ trình mà Nhật Bản và Ấn Độ nhắm tới sẽ quyết định phương hướng của châu Á, vì thế, 2 nước đảm nhiệm trọng trách đó. Thủ tướng Modi cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các chính sách của Nhật Bản khi nói rằng, các chính sách này sẽ đóng góp cho hòa bình và sự ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Quang Hiển (theo NHK, Times of India)
 

;
.
.
.
.
.