Việc nhóm Hồi giáo Algeria Jund al-Khilifa hành quyết một du khách người Pháp nhằm trả đũa hành động quân sự của Paris ở Iraq làm Điện Elysée phải xem xét lại chiến dịch chống các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.
Herve Gourdel, công dân Pháp, đã bị nhóm Hồi giáo Jund al-Khilifa ở Algeria hành quyết. Ảnh: AFP |
Ngày 25-9, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng, nước ông để ngỏ khả năng tham gia các cuộc không kích chống IS tại Syria. Tuyên bố này được đưa ra chỉ sau vài giờ Tổng thống Pháp Francois Hollande bác bỏ việc Paris sẽ can thiệp vào chiến dịch do Mỹ dẫn đầu trên lãnh thổ Syria, nơi được cho là “thành trì” của IS.
Pháp phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Iraq năm 2003. Song, tuần trước, Pháp là chính phủ nước ngoài đầu tiên tham gia với Mỹ thực hiện các cuộc không kích chống IS tại Iraq. Chiến dịch này được Pháp tiếp tục thực hiện trong ngày 25-9 bằng việc các máy bay chiến đấu nhằm vào các mục tiêu của IS. Song, Paris nhiều lần loại bỏ việc thực hiện chiến dịch như thế tại Syria, bởi thiên về phương án ủng hộ phe nổi dậy.
Theo Reuters, giờ đây, cái chết của du khách người Pháp Herve Gourdel làm các nhà chức trách quốc gia châu Âu này có thể thay đổi quan điểm. Một tối hậu thư của Jund al-Khilifa được đưa ra cho Pháp, yêu cầu Paris ngừng các cuộc tấn công ở Iraq. Chỉ 24 tiếng đồng hồ sau, công dân 55 tuổi Gourdel bị nhóm này hành quyết ở Algeria. AFP cho biết, người dân Pháp sốc trước thông tin này. Quốc kỳ Pháp được treo rủ tại thị trấn Nice, quê nhà của Gourdel.
Trong cuộc họp nội các ngày 25-9, nói về khả năng tham gia chiến dịch tại Syria, Bộ trưởng Le Drian cho biết: Hiện chưa có cơ hội nhưng Pháp đã tham gia vào một nhiệm vụ quan trọng ở Iraq và sẽ xem xét diễn biến tình hình những ngày tới. Ông nhấn mạnh: “Vấn đề đang ở trên bàn nghị sự”.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng, không có rào cản pháp lý nào để Paris tiến hành chiến dịch ở Syria. Sau đó, nhóm Jund al-Khilifa, lực lượng tuyên bố trung thành với IS, phát video cho thấy việc hành quyết Gourdel.
Trong cuộc họp nội các, Ngoại trưởng Fabius cho hay, chính phủ sẽ xem xét sứ mệnh của Pháp trong việc chống lại IS, trong đó có “những gì chúng ta muốn làm ở Iraq và những gì sẽ diễn ra ở Syria”.
Sau những diễn biến nói trên, cũng trong ngày 25-9, sau khi trở về từ New York, Tổng thống Francois Hollande chủ trì một cuộc họp khẩn cấp với hội đồng quốc phòng của ông để xác định quyết tâm chống IS. “Cuộc chiến chống khủng bố phải tiếp tục và được thúc đẩy”, ông Hollande cũng phát biểu mạnh mẽ như thế tại Đại hội đồng LHQ.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, Vương quốc Anh không thể đứng ngoài cuộc chiến chống IS. Nhà lãnh đạo này ủng hộ một nghị quyết mới mà Mỹ vừa đệ trình LHQ, theo đó áp đặt lệnh cấm đi lại trên toàn cầu đối với những chiến binh có ý định tham gia các cuộc xung đột ở nước ngoài, nhất là hàng trăm công dân Anh được cho là đang chiến đấu cho IS tại Syria và Iraq.
Hôm nay (26-9), Thủ tướng Cameron sẽ triệu tập cuộc họp tại Hạ viện để thảo luận và bỏ phiếu về chiến dịch không kích nhằm vào IS ở Iraq. Ông cho rằng, các chiến binh thánh chiến đang là mối đe dọa đối với Anh. Theo đó, 9 người vừa bị bắt tại London với cáo buộc ủng hộ các tổ chức khủng bố. AFP cho hay, đến nay, đã có 3 người bị IS hành quyết, bao gồm một nhân viên cứu trợ người Anh và 2 nhà báo Mỹ. IS hiện bắt giữ 2 công dân khác của Anh.
THIÊN BÌNH