Phát biểu khai mạc hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris ngày 15-9, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng, mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mang tính toàn cầu và phải có phản ứng toàn cầu để chống lại lực lượng này.
Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) chào đón Tổng thống Iraq Fouad Masoum đến tham dự hội nghị ở Paris.Ảnh: AP |
Theo sáng kiến của Pháp, ngày 15-9, ngoại trưởng khoảng 30 nước trên thế giới cùng một số nguyên thủ quốc gia nhóm họp khẩn cấp tại Paris để thảo luận về tình hình Iraq. Các nước phương Tây tức giận sau khi IS mới đây công bố đoạn video hành quyết nhân viên cứu trợ người Anh David Haines và đe dọa một con tin người Anh khác.
Giới phân tích cho rằng, đoạn băng với hành động dã man của IS càng tạo động lực để Mỹ thúc đẩy liên minh quốc tế chống lại lực lượng vốn đang hoành hành ở Iraq và Syria. Hiện có khoảng 40 nước tham gia, trong đó có 10 nước Arab, đồng ý tham gia liên minh. Trong đó, Thủ tướng Úc Tony Abbott cam kết điều 600 binh sĩ đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), một đồng minh của Washington ở Trung Đông.
AFP cho biết, chỉ vài giờ trước khi hội nghị Paris bắt đầu, Pháp tuyên bố nước này cùng Anh tiến hành các chuyến bay do thám để ủng hộ Mỹ trong chiến dịch chống IS. Trao đổi với các binh sĩ Pháp tại căn cứ Al-Dhafra ở UAE, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian xác nhận các chuyến bay do thám đầu tiên được thực hiện khắp Iraq trong ngày 15-9. Ngay sau đó, hai máy bay chiến đấu Rafale đã cất cánh từ căn cứ Al-Dhafra.
Theo thông tin từ giới tình báo Mỹ, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã trở thành tổ chức khủng bố giàu nhất với thu nhập trung bình 3 triệu USD/ngày, chủ yếu từ buôn lậu dầu thô, trộm cắp và tống tiền. IS hiện chiếm giữ 11 mỏ dầu lớn ở Iraq và Syria. |
Tại Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh: “Mối đe dọa khủng bố mang tính toàn cầu và phản ứng phải mang tính toàn cầu”. Phát biểu của nhà lãnh đạo này như lời tuyên chiến với IS khi ông cho rằng, không còn thời gian để trì hoãn hành động nữa, đồng thời kỳ vọng hội nghị lần này là dịp để củng cố một liên minh quốc tế. Theo một quan chức Mỹ, số các nước ký tham gia liên minh hầu như gia tăng từng giờ, từ châu Âu, Trung Đông đến Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand.
Tổng thống Iraq Fouad Masoum cũng kêu gọi hành động nhanh chóng. “Nếu sự can thiệp và ủng hộ Iraq trễ, điều này có nghĩa IS có thể chiếm thêm lãnh thổ và mối đe dọa của chúng sẽ lớn hơn”, ông Masoum nói.
Năm 2003, khi Mỹ phát động chiến tranh chống Iraq, Paris không tham chiến và phản đối cuộc chiến này. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, không thể so sánh chiến dịch hiện tại với cuộc chiến năm 2003 và ông cũng nói rằng, cần hành động nhanh chóng trước mối đe dọa từ IS.
Kể từ khi tăng cường hoạt động từ đầu tháng 3 đến nay, IS trở thành lực lượng thánh chiến có quy mô lớn, đe dọa an ninh của khu vực và thế giới. Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS ở Iraq từ tháng 8 vừa qua. Đây là lần đầu tiên Washington mở chiến dịch ở Iraq kể từ khi rút binh sĩ về nước. Reuters cho rằng, vấn đề là chiến dịch ở Syria sẽ khó khăn hơn ở Iraq.
Các quan chức phương Tây xem chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một phần trở ngại trong chiến dịch. Theo AFP, Washington sẽ không hợp tác với chính phủ Assad để thực hiện các cuộc không kích trên lãnh thổ Syria nhưng bảo đảm hai lực lượng không xung đột với nhau. Tổng thống Hollande cho rằng, cộng đồng quốc tế cần tìm ra giải pháp tại Syria - nơi IS đã sinh ra.
Nga nêu quan điểm: Bất kỳ cuộc không kích nào ở Syria cũng sẽ là hành động khiêu khích nếu không có sự đồng ý của Tổng thống Assad hoặc theo sứ mệnh quốc tế.
THIÊN BÌNH