.

Pháp ngưng bàn giao tàu chiến cho Nga

.

Lo ngại trước các hành động leo thang căng thẳng của Nga tại miền Đông Ukraine, Pháp hôm 4-9 quyết định ngừng cung cấp tàu sân bay trực thăng lớp Mistral cho Nga.

Tàu sân bay trực thăng lớp Mistral. Ảnh: Reuters
Tàu sân bay trực thăng lớp Mistral. Ảnh: Reuters

Văn phòng Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố: “Tình hình rất nghiêm trọng. Hành động gần đây của Nga tại miền Đông Ukraina trái với các nguyên tắc an ninh cơ bản của châu Âu. Do thỏa thuận ngừng bắn chính thức chưa được xác nhận nên Pháp nhận thấy cung cấp chiếc tàu sân bay trực thăng đầu tiên cho Nga là không phù hợp”.

Lẽ ra chiếc Mistral đầu tiên với tên gọi Vladivostok sẽ được bàn giao ngày 1-11 tới. Còn chiếc thứ hai tên Sevastopol dự kiến bàn giao vào năm 2015. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp đã quyết định hủy bỏ hợp đồng cung cấp chiếc Vladivostok, ít nhất cho tới tháng 10, nếu “không có gì thay đổi” mà không đề cập đến chiếc thứ hai.

Khi tình hình tại Ukraine ngày càng biến động, các quan chức Nga nhiều lần đánh tiếng họ chấp nhận để chính phủ Pháp hủy bỏ kế hoạch cung cấp tàu Mistral – trị giá 1,6 tỉ USD - nhưng phải chịu tiền phạt vi phạm hợp đồng, có khả năng vượt quá chi phí đóng 2 con tàu.

“Đây không phải điều gì to tát dù tin tức này hơi khó chịu. Nó sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch trang bị vũ khí của chúng tôi. Chúng tôi sẽ hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy chế của hợp đồng” - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov trả lời về quyết định của ông Hollande.

Hành động kể trên của Paris không nằm trong các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Nhưng trong tuần này, lệnh trừng phạt mới của EU có thể trì hoãn việc Pháp phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đối với Nga.

Sau khi hay tin, Washington tỏ ý hoan ngênh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố: “Chúng tôi chắc chắn ủng hộ quyết định của họ”.

Cũng trong ngày 4-9, Thủ tướng Úc Tony Abbott hạ lệnh cấm bán uranium cho Nga, đồng thời thông báo lập một đại sứ quán ở Kiev và có thể viện trợ quân sự phi sát thương cho Ukraine. “Úc không có ý định bán uranium sang một quốc gia mà rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế như Nga” – ông Abbott nhấn mạnh.

Động thái cứng rắn của Canberra đến sau vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị nghi bắn hạ tại miền Đông Ukraine bởi phiến quân ly khai thân Nga.

NLĐO

 

;
.
.
.
.
.