Đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ chiến tranh ở Trung Đông, châu Phi, đến dịch bệnh Ebola gây chết người và sự trỗi dậy của các chiến binh Hồi giáo cực đoan, ngày 24-9, các nhà lãnh đạo của hơn 140 quốc gia nhóm họp thường niên ở New York (Mỹ) để tìm giải pháp.
Những ngôi nhà bị phá hủy do các cuộc không kích của Mỹ ở làng Kfar Derian, phía tây tỉnh Aleppo (Syria) ngày 23-9. Ảnh: AFP |
AP cho biết, vấn đề hàng đầu có trong chương trình nghị sự là mối đe dọa từ những kẻ khủng bố Hồi giáo; các cuộc không kích của Mỹ và các nước Arab trên lãnh thổ Syria chính là cách thức đáp trả. Bên cạnh đó là xung đột ở Syria, Iraq, Trung Phi, Nam Sudan, Ukraine và Gaza. Đó là chưa kể việc thế giới phải đương đầu với cuộc chiến chống đói nghèo và biến đổi khí hậu.
Nhìn lại hàng loạt thách thức, Ngoại trưởng Na Uy thốt lên với hãng AP: “Đây là điều chưa từng thấy trong nhiều thập niên”. Tuần trước, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon thừa nhận với báo giới rằng, thế giới đang đối mặt với “nhiều khủng hoảng”, tất cả đều nhằm vào dân thường và mang màu sắc giáo phái, sắc tộc.
Bàn thêm về các xung đột lớn, ông Ban Ki-moon nhận định: thế giới không được quên bạo lực đang tiếp diễn ở Mali, bất ổn ở Ukraine, sự lộn xộn ở Libya, sự phân cực lớn giữa người Israel và người Palestine, sự lớn mạnh của nhóm Boko Haram khét tiếng tại Nigeria…
Cũng trong ngày 24-9 (giờ New York), Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ. Các nhóm nhân quyền kêu gọi ông chủ Nhà Trắng lý giải chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có tuân theo luật quốc tế hay không.
Trước khi đến New York, Tổng thống Obama cam kết theo đuổi cuộc chiến chống IS. Ông cho rằng, việc Mỹ cùng 5 nước Arab (Bahrain, Jordan, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) mở chiến dịch chống IS ở đông bắc Syria minh chứng cuộc chiến này là nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, chứ không còn là chuyện riêng của nước Mỹ; đồng thời, gửi thông điệp rõ ràng: thế giới đoàn kết trong việc đối phó với các chiến binh thánh chiến.
Các nhà quan sát nhận định: với hơn 50 nước tham gia liên minh quốc tế chống IS, ông Obama còn muốn mở rộng danh sách này tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ chủ trì phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ vào tối 24-9 (sáng 25-9, giờ Việt Nam). Các thành viên cơ quan quyền lực này dự kiến thông qua một nghị quyết yêu cầu tất cả các nước ngăn chặn việc tuyển dụng và đi lại của các tay súng nước ngoài tham gia các nhóm khủng bố như IS.
Trước đó, Hội đồng Bảo an đã thông qua một nghị quyết đưa nhiều đối tượng và tổ chức thánh chiến nước ngoài ở Trung Đông vào “danh sách đen”, trong đó có lãnh đạo cấp cao của IS - nhóm khủng bố được cho là còn nguy hiểm hơn cả Al-Qaeda.
Trong lúc này, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thông báo với các cơ quan thực thi pháp luật ở tất cả các bang về việc các phần tử cực đoan của tổ chức Al-Qaeda tại Syria đang âm mưu tấn công Mỹ. Nhóm Khorasan ở Syria có liên hệ với Al-Qaeda. Chỉ huy nhóm Khorasan là Muhsin al-Fadhli, một trong những thủ lĩnh của Al-Qaeda. Chiến dịch của Mỹ tại Syria cũng nhằm vào mục tiêu Khorasan. Song chưa rõ cảnh báo của FBI có liên quan gì đến Khorasan hay không.
Cuộc họp của Đại hội đồng LHQ sẽ kết thúc vào ngày 30-9.
PHÚC NGUYÊN